Năm 2016 đánh dấu một thế giới đầy biến động với hàng loạt sự kiện, từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu, CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân... Các chuyên gia dự báo những sự kiện này vẫn có sức ảnh hưởng trong năm 2017, chi phối cục diện thế giới.
1) Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp gỡ Tổng thống đắc cử Donald Trump tại phòng Bầu dục ngày 10-11. Ảnh: AFP |
Chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa - tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8-11 đã gây xôn xao cả thế giới. Đây là lần đầu tiên nước Mỹ có tổng thống xuất thân là doanh nhân, chưa có kinh nghiệm chính trường. Khi tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20-1-2017, ông Trump có thể sẽ thay đổi “di sản” của người tiền nhiệm Barack Obama, như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận hạt nhân với Iran và thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, hủy bỏ hệ thống bảo hiểm y tế Obamacare… Toàn cầu hóa kiểu Obama đang lâm vào thoái trào và con thuyền nước Mỹ được dự báo sẽ rẽ sang hướng khác.
2) Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Phiên tòa diễn ra tại The Hague (Hà Lan). Ảnh: AP |
Ngày 12-7, Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ và nhiều nước khác kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA. Tuy nhiên, phản ứng của Philippines không gay gắt như cộng đồng quốc tế mong đợi. Các chuyên gia dự báo năm 2017 sẽ có nhiều yếu tố quan trọng tác động đến tình hình Biển Đông.
3) Huyền thoại Fidel Castro từ trần
Xe chở tro cốt của cố lãnh tụ Fidel Castro thực hiện chuyến đi 4 ngày dọc đất nước Cuba. Ảnh: AFP |
Ngày 26-11, lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro, nhà cách mạng vĩ đại, một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của thế kỷ XX và là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, qua đời ở tuổi 90, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân Cuba cũng như phong trào cánh tả thế giới. Cuba tổ chức quốc tang 9 ngày, nhiều nước khác cũng tổ chức quốc tang để tưởng niệm lãnh tụ Fidel Castro.
4) Anh bỏ phiếu rời EU
Thủ tướng David Cameron từ chức vì người dân Anh chọn Brexit. Ảnh: AFP |
Với 51,9% số phiếu ủng hộ Brexit và 48,1% số phiếu phản đối, người dân Anh đã quyết định đặt dấu chấm hết cho “cuộc hôn nhân” kéo dài 43 năm giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU), gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của liên minh và toàn thế giới. Thủ tướng David Cameron từ chức, mở đường cho bà Theresa May tiếp quản nhà số 10 phố Downing. Bà May cam kết thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn thành Brexit trước ngày 31-3-2017.
5) Châu Âu bị tấn công khủng bố
Vụ tấn công ở thành phố Nice đúng ngày Quốc khánh của Pháp làm ít nhất 86 người chết. Ảnh: AFP |
Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ… gây chấn động thế giới. Ngày Quốc khánh nước Pháp 14-7, một kẻ khủng bố lái xe tải đâm thẳng vào đám đông ở thành phố Nice làm ít nhất 86 người chết và hơn 400 người khác bị thương. Ngày 19-12, một xe tải lao vào chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin của Đức làm ít nhất 12 người chết và 48 người khác bị thương. Ngoài ra còn nhiều vụ tấn công ở Normandy (Pháp); Munich, Ansbach (Đức), Brussels (Bỉ)… “Bóng ma” khủng bố ám ảnh châu Âu. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel bị chỉ trích gay gắt vì người dân nước này cho rằng, chính sách mở cửa đón người tị nạn của bà đã “rước” khủng bố vào nhà.
6) Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa
Một tên lửa đạn đạo được phóng tại CHDCND Triều Tiên ngày 23-4. Ảnh: AFP |
Từ đầu năm đến nay, CHDCND Triều Tiên đã 2 lần thử hạt nhân và 8 lần thử tên lửa. Ngày 6-1, Bình Nhưỡng lần đầu thử bom nhiệt hạch với sức mạnh 6 kiloton, cường độ rung chấn 5,1 độ Richter; ngày 9-9 thử đầu đạn hạt nhân với sức mạnh 10 kiloton, cường độ rung chấn 5,3 độ Richter. Bình Nhưỡng còn tuyên bố làm chủ công nghệ tích hợp đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo, làm dấy lên căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cho rằng, nước láng giềng phía bắc có thể tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 bất kỳ lúc nào.
7) “Hồ sơ Panama” rò rỉ
Nhân viên an ninh tuần tra bên ngoài trụ sở Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama. Ảnh: EPA |
Khoảng 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama đã bị tiết lộ liên quan đến 214.000 công ty nước ngoài lập ra để trốn thuế và rửa tiền từ giữa thập niên 1970-2016. Theo đó, Công ty luật Mossack Fonseca đã tạo ra “thiên đường trốn thuế”, giúp khoảng 140 chính trị gia, ngôi sao thể thao, tỷ phú, trùm ma túy... trốn thuế.
Đây là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử, hơn cả bê bối WikiLeaks năm 2010, hay sự cố nghe lén mà Edward Snowden công bố cách đây 3 năm. Thủ tướng Iceland Sigmundura David Gunnlaugsson là nhà lãnh đạo đầu tiên phải từ chức do sức ép của dư luận. Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế cảnh báo, 11,5 triệu tài liệu chỉ là sự khởi đầu và cuộc điều tra sẽ còn phanh phui những tên tuổi khác.
8) Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính
Những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuần hành ở Quảng trường Kizilay, thủ đô Ankara ngày 18-7. Ảnh: AFP |
Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ trong đêm 15 và ngày 16-7 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thất bại khiến hơn 37.000 người bị bắt và hàng trăm ngàn người bị sa thải. Làn sóng thanh trừng dự báo sẽ còn tiếp diễn. Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen hiện sống tại bang Pennsylvania (Mỹ) bị cáo buộc đứng sau vụ việc này. Điều đáng nói là quan hệ châu Âu - Thổ, Mỹ - Thổ trở nên căng thẳng sau vụ đảo chính. Châu Âu chỉ trích Ankara trong chiến dịch thanh trừng và ngừng đàm phán về việc gia nhập EU của quốc gia này, còn Washington tuyên bố xem xét yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen nếu Ankara có đủ bằng chứng.
9) Chính phủ Syria giải phóng Aleppo
Một hành lang nhân đạo được mở để sơ tán người dân và phiến quân khỏi phía đông thành phố Aleppo. Ảnh: AFP |
Ngày 12-12, với sự hậu thuẫn của Nga và các đồng minh, quân đội Syria đã chính thức giải phóng Aleppo, trung tâm kinh tế của quốc gia Trung Đông này. Đây là thắng lợi lớn nhất của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm ở Syria, đồng thời là đòn giáng mạnh vào lực lượng nổi dậy vốn được sự ủng hộ của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ... Giới phân tích cho rằng, việc chính phủ Syria giải phóng Aleppo là bước ngoặt quan trọng, có thể dẫn đến những tác động chính trị lớn ở quốc gia Trung Đông này.
10) Virus Zika lây lan ở 60 quốc gia
Các nhân viên y tế ở Rio de Janeiro (Brazil) phun thuốc chống muỗi truyền virus Zika. Ảnh: EPA |
Sau khi xuất hiện vào đầu năm nay, Zika - loại virus có thể gây hội chứng teo não cho thai nhi và tử vong ở người lớn - lây lan nhanh chóng ở 60 quốc gia thuộc 4 lục địa, trong đó có 11 nước ở Đông Nam Á. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), virus Zika có thể làm Mỹ Latinh và vùng Caribe thiệt hại kinh tế lên tới 4 tỷ USD. Hiện chưa có vắc-xin phòng chống virus Zika hay thuốc đặc trị.