Quốc tế

Cú sốc với Thủ tướng Ý

08:13, 06/12/2016 (GMT+7)

Việc 59,1% cử tri Ý bỏ phiếu phản đối kế hoạch cải cách Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 4-12 là cú sốc đối với Thủ tướng Matteo Renzi. Ông đã tuyên bố từ chức và quốc gia châu Âu này có thể phải bầu cử sớm.

Thủ tướng Matteo Renzi tuyên bố từ chức. 						Ảnh: AP
Thủ tướng Matteo Renzi tuyên bố từ chức. Ảnh: AP

Ngày 5-12, Thủ tướng Ý Matteo Renzi tuyên bố từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp, đẩy nền kinh tế lớn thứ ba trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vào khủng hoảng chính trị. 59,1% cử tri đã nói “không” với việc cải cách, hủy hoại những nỗ lực của ông trong việc mở ra hướng đi mới cho Ý trong những năm tới.

“Tôi sẽ nhận trách nhiệm về thất bại”, Thủ tướng Renzi phát biểu trên truyền hình quốc gia. Ông cũng cho biết, sẽ chúc mừng người kế nhiệm dù người đó là ai. “Kinh nghiệm của tôi về chính phủ hoàn thành ở đây”, nhà lãnh đạo này bày tỏ. Ông sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Song, chưa rõ Tổng thống có chấp thuận hay không. Tổng thống Mattarella cũng có thể thành lập chính phủ chuyển tiếp dưới hình thức đại liên minh.

Hãng Reuters cho biết, quyết định từ chức của ông Renzi được đưa ra chỉ sau 2,5 năm lãnh đạo chính phủ không những phủ bóng đối với tương lai ngắn hạn và dài hạn của Ý, mà còn là đòn giáng đối với Liên minh châu Âu (EU), vốn đang quay cuồng với khủng hoảng. Đồng euro đã bị sụt giá mạnh so với đồng USD. Song, Cao ủy châu Âu về Kinh tế và Tài chính Pierre Moscovici từ chối bàn thảo về một cuộc khủng hoảng trong khối eurozone, trong khi Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble thúc giục điềm tĩnh và gọi những gì diễn ra ở Ý “không phải là thông điệp tích cực cho châu Âu trong thời điểm khó khăn”.

Bộ trưởng Kinh tế Ý Pier Carlo Padoan, người đã hủy các cuộc họp dự kiến với các Bộ trưởng Tài chính châu Âu ở Brussels (Bỉ) trong tuần này, đang tìm ứng viên thay thế Thủ tướng 41 tuổi Renzi. Trong các ứng viên có Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso, Bộ trưởng Giao thông Graziano Delrio và Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan.

Theo Reuters, khủng hoảng trong chính phủ Ý có thể mở cánh cửa cho bầu cử sớm vào năm tới và nhiều khả năng đảng dân túy Phong trào 5 sao sẽ giành thắng lợi. Đảng này đã vận động cử tri bỏ phiếu “không” trong cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời đang muốn kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về việc liệu Ý có nên rời khỏi EU hay không. Holger Schmieding, một nhà phân tích tại Ngân hàng Berenberg (Đức) nhận định, nguy cơ Ý chọn rời EU gia tăng sau cuộc bỏ phiếu vừa qua.

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 4-12 là kế hoạch của chính phủ nhằm giảm quyền lực của lưỡng viện và chính quyền địa phương. Song, nhiều người xem đây là cơ hội để bày tỏ sự bất mãn đối với ông Renzi, người đã nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định chính trị. Song, các chính sách kinh tế của ông ít tạo ra tác động.

Ông Luigi Di Maio, một thủ lĩnh của đảng Phong trào 5 sao tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý cho thấy chính người dân mới là người làm chủ đất nước chứ không phải một người như ông Renzi”. Trong khi đó, nghị sĩ thuộc đảng Lega Nord đối lập Paolo Grimoldi cho biết, Ý cần tổ chức cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cho rằng, việc tiến hành bầu cử ngay lập tức là điều không thể. Một kịch bản được đưa ra là đảng Dân chủ của ông Renzi sẽ tạm nắm quyền cho đến cuộc bầu cử vào mùa xuân 2018.

BÌNH YÊN

.