.

Thách thức lớn ở Aleppo

.

Việc bảo đảm an toàn và sơ tán hết người dân cũng như lực lượng nổi dậy ra khỏi thành phố Aleppo của Syria là một thách thức lớn, khi tiếng súng vẫn vang lên. Thỏa thuận ngừng bắn vẫn có nguy cơ đổ vỡ.

Người dân tập trung chờ lên các xe buýt của chính phủ để sơ tán. 						Ảnh: AP
Người dân tập trung chờ lên các xe buýt của chính phủ để sơ tán. Ảnh: AP

Ngày 18-12, những người dân và lực lượng phiến quân còn kẹt lại ở Aleppo chờ đợi để rời thành phố này khi hoạt động sơ tán được nối lại.

Chiến dịch sơ tán bắt đầu vào ngày 15-12 theo thỏa thuận ngừng bắn nhằm cho phép chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Aleppo sau nhiều năm giao tranh. Song, chiến dịch bị dừng vào ngày 16-12 bởi phía chính phủ Syria cáo buộc phiến quân vi phạm thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Chiến dịch sơ tán dự kiến được nối lại vào ngày 18-12 (giờ địa phương). Ông Al-Farook Abu Bakr thuộc nhóm phiến quân Hồi giáo Ahrar al-Sham nói rằng, đã đạt được thỏa thuận nối lại việc sơ tán. “Sẽ sơ tán người dân khỏi các làng Fuaa và Kafraya, cũng như các thị trấn Madaya và Zabadani.

Tất cả người dân Aleppo và các tay súng sẽ rời khỏi nơi đây”, ông Bakr khẳng định. Tuy nhiên, chưa có sự xác nhận của chính phủ Tổng thống Assad và các đồng minh là Nga và Iran. Việc hoãn chiến dịch sơ tán đã khiến nhiều người, trong đó có trẻ em, trải qua đêm lạnh giá ngoài trời, thậm chí không có lương thực và nước uống.

Thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ phiến quân ở Syria, với Nga và Iran - đồng minh của chính phủ Damascus - đã thúc đẩy việc mở hành lang nhân đạo sơ tán người dân và phiến quân Syria ra khỏi Aleppo. Nhưng theo AFP, các bên vẫn bất đồng về số người rời khỏi những ngôi làng Shi’ite Fuaa và Kafraya: phiến quân thống nhất 1.500 người, trong khi Iran muốn 4.000 người phải được rời đi.

Cũng trong ngày 18-12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp ở New York (Mỹ) để bỏ phiếu đối với đề xuất của Pháp đưa quan sát viên đến Aleppo để giám sát quá trình sơ tán và báo cáo tình hình bảo vệ dân thường. Song, Nga có thể bỏ phiếu phủ quyết.

Theo Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin, việc triển khai các quan sát viên đến Aleppo có thể mất hàng tuần, chứ không thể thực hiện trong 2 hoặc 3 ngày. Đại sứ Churkin cũng cho biết, ông phát hiện những nghi vấn trong đề xuất của Pháp, trong đó có việc nhanh chóng triển khai các quan sát viên. Kể từ khi cuộc xung đột ở Syria bùng phát vào năm 2011, Nga đã phủ quyết 6 dự thảo nghị quyết của HĐBA. Trung Quốc đã từng cùng Nga phủ quyết 5 nghị quyết.

Ngày 15-12, Đặc sứ Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura ước tính khoảng 40.000 dân thường và có lẽ 5.000 phiến quân vẫn còn ở vùng đất hỗn loạn Aleppo. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, 90 người bị thương đã từ Aleppo đến Thổ để điều trị. Trước khi hoạt động sơ tán bị đình trệ, khoảng 8.500 người, trong đó có 3.000 phiến quân, đã rời Aleppo.

Hiện phiến quân đổ lỗi cho Iran và lực lượng dân quân Shi’ite làm trì hoãn thỏa thuận nói trên. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, ông đã trao đổi hơn chục lần với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif về Syria.

Theo đó, các bên đều muốn thúc đẩy cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Syria và giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột ở quốc gia Trung Đông này. IRNA, hãng thông tấn chính thức của Iran, xác nhận các ngoại trưởng Nga, Thổ và Iran sẽ nhóm họp vào ngày 20-12 ở Mátxcơva để tiếp tục bàn thảo về cuộc xung đột Syria.

Việc bảo đảm để các bên thực thi nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn, mở đường cho chiến dịch sơ tán được thực hiện thông suốt là điều không dễ, nhất là khi các bên liên quan vẫn “tố” lẫn nhau. Ngay cả với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, hai nước làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn, vẫn có những bất đồng bởi Ankara ủng hộ phe nổi dậy ở Syria, còn Mátxcơva ủng hộ chính phủ Assad.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.