Quốc tế
Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lựa chọn khác ngoài EU
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định nước ông không từ bỏ tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng Ankara có nhiều sự lựa chọn thay thế khác nếu tiến trình này không đi đến đâu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn muốn “đặt một chỗ” ở EU nhưng cũng hướng đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ảnh: AFP |
Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế ở thành phố Istanbul ngày 29-11 (giờ địa phương), Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa khép lại việc đặt chỗ ở EU ngay lúc này. Nhưng không ai nên quên rằng, Thổ Nhĩ Kỳ luôn có nhiều sự lựa chọn thay thế khác”.
Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã ủng hộ “đóng băng” các cuộc đối thoại về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Động thái này làm ông Erdogan tức giận, thậm chí đe dọa sẽ trả đũa bằng cách phá vỡ thỏa thuận ngăn dòng người di cư tràn vào châu Âu. Tháng 3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và EU ký kết thỏa thuận gây nhiều tranh cãi, theo đó những người di cư đến EU không đủ điều kiện tị nạn sẽ bị đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Ankara yêu cầu EU hỗ trợ tài chính và tiếp nhận những người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ theo cơ chế “một đổi một”. Thỏa thuận này cũng bao gồm hàng tỷ USD viện trợ và miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ vào EU.
Tổng thống Erdogan cho hay, cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu làm Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng, khiến nước này hiện không còn cảm giác “tích cực” trong các cuộc đàm phán thúc đẩy tiến trình vào EU. Nhà lãnh đạo này nói rằng, nếu đường tiến đến EU bị ngăn cản, “chúng tôi sẽ tiếp tục con đường của mình bằng những lựa chọn khác thay thế”, nhưng ông không đề cập chi tiết.
Đầu tháng 11-2016, ông Erdogan lại có phát biểu hàm ý về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khối an ninh và kinh tế của Nga và Trung Quốc, với các thành viên là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia tuần trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng, SCO không phải là một lựa chọn thay thế EU.
Trong lúc này, EU tỏ ra lo lắng trước những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Erdogan. Tại Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cảnh báo ông Erdogan sẽ phải chịu trách nhiệm nếu thỏa thuận ngăn dòng người di cư được ký kết hồi tháng 3 sụp đổ và công dân Thổ sẽ mất quyền đi lại tự do trong EU. Trả lời báo Ouest-France số ra ngày 30-11, ông Juncker nhấn mạnh: Thổ Nhĩ Kỳ phải tự hỏi mình có thật sự muốn trở thành thành viên của EU hay không; ông Erdogan phải biết rằng ông sẽ phải chịu trách nhiệm về việc từ chối tự do hóa thị thực nhập cảnh.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đệ đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 và các cuộc đàm phán được bắt đầu vào năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Đáng nói là căng thẳng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU dấy lên kể từ vụ đảo chính bất thành ngày 15-7 vừa qua nhằm lật đổ ông Erdogan. EU phản đối động thái trấn áp mạnh tay của chính phủ Ankara.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cũng bày tỏ lo ngại xung quanh căng thẳng giữa Thổ và EU. Bản thân ông Bettel không ủng hộ “đóng băng” các cuộc đàm phán về việc Ankara gia nhập EU. Reuters cho hay, các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn thảo về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa khi nhóm họp ở Brussels (Bỉ) tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 15 và 16-12 tới.
PHÚC NGUYÊN