Quốc tế
Vụ ám sát chấn động và quan hệ Nga - Thổ
Việc đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị ám sát trong một triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara ngày 19-12 đang gây chấn động. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là “sự khiêu khích” và yêu cầu điều tra.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa bên ngoài khu vực triển lãm nơi đại sứ Andrei Karlov bị bắn chết. Ảnh: Getty Images |
Hãng AP cho biết, kẻ bắn chết đại sứ Andrei Karlov là Mevlut Mert Altintas (22 tuổi), từng làm việc trong lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Ankara 2,5 năm. Altintas vừa bị sa thải do cáo buộc liên quan tổ chức khủng bố và vụ đảo chính bất thành ở Thổ hồi tháng 7 vừa qua. Trước khi nổ súng, Altintas dường như chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Syria bằng việc hét lên: “Đừng quên Aleppo! Đừng quên Syria!”. Altintas còn nói bằng tiếng Arab: “Thượng đế vĩ đại. Những người đã thề trung thành với đấng tiên tri Muhammad vì cuộc thánh chiến”.
Phóng viên ảnh Burhan Ozbilici của hãng AP và những người khác có mặt tại triển lãm đã chứng kiến khoảnh khắc kinh hoàng khi tay súng mặc vest đen - thường phục của lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ - bắn ít nhất 8 phát súng, trong đó 4 phát nhằm vào ông Karlov từ phía sau. Altintas bị đặc nhiệm Thổ tiêu diệt sau cuộc đấu súng kéo dài 15 phút. Ngoài ông Karlov thiệt mạng còn có 3 người khác bị thương.
Bức ảnh được AP công bố cho thấy tay súng đang tức giận, cạnh đó là thi thể đại sứ Nga. Phóng viên Ozbilici, tác giả bức ảnh gây chấn động này cho biết, khi đại sứ Karlov phát biểu tại triển lãm, tay súng đã đứng ngay phía sau và ông thật sự sốc về điều này khi xem lại bức ảnh. Thi thể của đại sứ 62 tuổi được đặt ở Ankara và sẽ được đưa về Mátxcơva.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: “Chúng ta phải biết ai đã chỉ đạo tay súng”. Nhà lãnh đạo Nga gọi vụ việc là “sự khiêu khích” nhằm phá hoại mối quan hệ đang ấm lên giữa Mátxcơva và Ankara cũng như những nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Syria. “Chỉ có thể có câu trả lời duy nhất là đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố”, ông Putin nói. Vị Tổng thống Nga ra lệnh các quan chức hàng đầu của ông tăng cường bảo vệ Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mátxcơva và đề nghị chính phủ Thổ gia tăng an ninh cho các cơ quan Nga ở Ankara.
Điện Kremlin cũng cho hay, một đội điều tra của Nga đã đến Thổ để xem xét vụ việc, với sự đồng ý của Tổng thống Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trong lúc đó, ông Erdogan cho rằng, đây là sự khiêu khích nhằm hủy hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ Thổ - Nga.
Theo nhật báo Hurriyet, tay súng Altintas được sinh ra ở thị trấn Soke, tỉnh Aydin, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ và học một trường đặc biệt chuyên đào tạo cảnh sát tương lai. Ngày 20-12, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 6 người, trong đó có cha, mẹ, chị và chú của Altintas.
Thị trưởng Ankara, ông Melih Gokcek, nghi ngờ kẻ tấn công có thể liên quan đến phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị quy trách nhiệm đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Song, giáo sĩ Gulen, hiện sống ở Mỹ, đã ra tuyên bố chỉ trích “hành động ghê tởm của khủng bố”.
Đại sứ quán Mỹ tại Ankara và các lãnh sự quán ở hai thành phố Istanbul, Adana cùng các lãnh sự quán Iran tại 3 thành phố Istanbul, Trabzon và Erzurum đóng cửa trong ngày 20-12. Iran đồng thời khuyến cáo người dân nước Cộng hòa Hồi giáo không đến những địa điểm này.
Cách đây vài ngày, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phản đối vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở Syria, mặc dù Mátxcơva và Ankara đang hợp tác chặt chẽ để sơ tán công dân khỏi thành phố Aleppo. Trong vấn đề Syria, Nga và Thổ đứng ở hai bên đối lập nhau; trong đó, Mátxcơva là đồng minh của Tổng thống Bashar al-Assad, còn Ankara ủng hộ lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ nhà lãnh đạo này.
Liên Hợp Quốc và Mỹ đều chỉ trích vụ tấn công nói trên. Nhà Trắng cho rằng, “vụ tấn công ghê tởm nhằm vào thành viên đoàn ngoại giao là không thể chấp nhận được”. Theo AP, vụ việc lần này là dấu hiệu khác cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO và là đối tác trong chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - đang đối mặt với các mối đe dọa an ninh; trong đó, cuộc chiến ở Syria là vấn đề lớn.
Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: Vụ ám sát sẽ không làm tổn hại quan hệ giữa Nga và Thổ nhưng sẽ có tác động ở Syria. Cái chết của ông Karlov là sự báo thù chiến dịch không kích của Nga ở Aleppo. Song, vụ việc có thể sẽ đưa Nga và Thổ xích lại gần nhau, như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định trong cuộc gặp người đồng cấp Thổ Mevlut Cavusoglu ở Mátxcơva ngày 20-12 khi bắt đầu đàm phán về Syria: “Bi kịch này buộc tất cả chúng ta phải đấu tranh quyết liệt chống lại khủng bố”.
PHÚC NGUYÊN