Các nhà chức trách Đức đang truy lùng nghi phạm tấn công chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin, trong lúc lực lượng an ninh bị chỉ trích vì để lọt lưới kẻ khủng bố.
Ngày 22-12, chợ Giáng sinh ở Berlin mở cửa trở lại nhưng người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tấn công. Ảnh: NYT |
Theo các nhà chức trách, Anis Amri (24 tuổi) - một người Tunisia tìm kiếm tị nạn - đã lái chiếc xe tải lao vào đám đông ở chợ Giáng sinh tại thủ đô Berlin tối 19-12, làm 12 người chết và 48 người khác bị thương. Trong số những người chết có 6 người Đức và 1 phụ nữ Israel. Các công tố viên Đức đã phát lệnh truy nã trên khắp châu Âu đối với Amri, đồng thời cảnh báo đây là kẻ quá khích và được vũ trang. Số tiền thưởng việc cung cấp thông tin về nghi phạm Amri lên đến 100.000 euro (104.000 USD).
Hãng AFP cho biết, lệnh truy nã nói trên xuất phát từ việc giấy tờ căn cước được tìm thấy dưới ghế của tài xế xe tải mang tên Anis Amri. Ngoài ra, các dấu vân tay của Amri cũng để lại trên cửa xe tải. Cảnh sát đã lùng sục một trung tâm tị nạn tại Emmerich, vùng bắc Rhine-Westphalia, phía tây nước Đức - nơi Amri đã ở cách đây một vài tháng, cũng như hai căn hộ tại Berlin nhưng không tìm ra tung tích nghi phạm.
Trong một tiết lộ khiến công chúng Đức tức giận, các nhà chức trách quốc gia châu Âu này nói rằng, trước khi vụ việc xảy ra, họ đã theo dõi Amri và nghi ngờ anh ta có kế hoạch thực hiện một vụ tấn công. Vấn đề đặt ra là Amri có tên trong danh sách bị cảnh sát Đức theo dõi từ nhiều tháng qua nhưng vì sao vẫn lọt lưới cơ quan an ninh.
Theo Bộ trưởng Nội vụ vùng bắc Rhine-Westphalia, ông Ralf Jaeger, sau khi rời trung tâm tị nạn, Amri thường xuyên thay đổi chỗ ở và tên họ. Ngoài cái tên Anis Amri, đối tượng này còn có 6 tên gọi khác. Ông Jaeger cho biết, thời gian gần đây, các quan chức chống khủng bố đã trao đổi thông tin về Amri và tiến hành điều tra vì nghi ngờ anh ta đang chuẩn bị “hành động bạo lực chống lại nhà nước”.
Các công tố viên Berlin nói rằng, Amri từng bị tình nghi lên kế hoạch trộm tiền để mua vũ khí tự động và “có thể thực hiện một vụ tấn công”. Tuy nhiên, sau khi theo dõi đối tượng từ tháng 3 đến tháng 9-2016, cảnh sát không tìm thấy bằng chứng về âm mưu này, mà Amri chỉ là người giao dịch ma túy nhỏ. Thế là việc giám sát dừng lại.
Trong khi đó, báo New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay, Amri đã nghiên cứu trên mạng về cách chế tạo thiết bị nổ và liên lạc với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ít nhất 1 lần thông qua Telegram. Anh ta cũng không có tên trong danh sách cấm bay của Mỹ.
Tại Tunisia, gia đình của Amri sốc khi biết tin Amri bị truy nã. Song, Abdelkader Amri - anh trai của Amri - chỉ trích hành động khủng bố. “Nếu nó có tội, nó đáng hứng chịu mọi sự chỉ trích. Chúng tôi không chấp nhận sự khủng bố và những kẻ khủng bố, chúng tôi không có mối liên hệ với những kẻ khủng bố”, Abdelkader Amri nói.
Một quan chức an ninh Tunisia nói với AFP rằng, Amri đã rời đất nước này sau cuộc nổi dậy năm 2011 và đến Ý trong 3 năm, sau đó đến Đức vào tháng 7-2015 và nộp đơn xin tị nạn vào tháng 6-2016 nhưng bị từ chối.
Trong lúc này, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục bị chỉ trích xung quanh chính sách tị nạn của bà - chính sách đã mở cửa cho khoảng 1 triệu người đến quốc gia này kể từ năm ngoái. Đảng cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) cáo buộc bà Merkel gây nguy hiểm cho đất nước. Thậm chí, ngay trong nội bộ đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cầm quyền, sự bất đồng về chính sách nhập cư cũng ngày càng lớn hơn.
BÌNH YÊN