Ngày 22-1, Giáo hoàng Francis cho rằng, ông sẽ không đưa ra bất cứ đánh giá nào về ông Donald Trump cho đến khi có thể quan sát việc thực thi những chính sách cụ thể của tân Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Donald Trump phát biểu khi thăm trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Langley, bang Virginia. Ảnh: ABC News |
Trước đó, ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ (20-1), Giáo hoàng Francis thúc giục tỷ phú New York cần được định hướng bởi những giá trị đạo đức, nói rằng ông cần quan tâm chăm sóc nhiều hơn những người nghèo, những người bị gạt sang bên lề của xã hội trong thời gian tại nhiệm.
Trả lời phỏng vấn báo El Pais của Tây Ban Nha, Giáo hoàng nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chờ xem. Tôi không muốn nói quá sớm cũng như không muốn vội vàng đánh giá người khác. Chúng ta sẽ cùng quan sát cách ông ấy hành động, những việc làm của ông ấy và rồi tôi sẽ có quan điểm của mình. Tuy nhiên, việc sợ hãi hay vui mừng trước vì một điều gì đó có thể xảy ra, theo quan điểm của tôi, là hoàn toàn không thông minh. Nó cũng sẽ giống như nhà tiên tri dự đoán các tai ương”.
Ngày 21-1 (giờ Mỹ), trong chuyến thăm trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Trump tỏ ý muốn hàn gắn những quan hệ rạn nứt sâu sắc giữa ông và cộng đồng tình báo thời gian qua, đặc biệt trong các vấn đề liên quan những cuộc tấn công mạng mà chính phủ Nga và đích danh Tổng thống Vladimir Putin bị cáo buộc đứng sau.
Ông Trump tuyên bố luôn hết lòng ủng hộ giới tình báo trong nước, đồng thời ca ngợi họ là những người hiếm hoi có thể làm được những việc rất ít người khác làm được. Ông cũng nêu quan điểm phát động một cuộc chiến mới nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuy nhiên, trong ngày làm việc thứ hai này, ông Trump tiếp tục “kích hoạt” một cuộc chiến mới với giới báo chí, truyền thông khi ông gắn cho họ những lời “sỉ vả” nặng nề rằng, đó là “những người thiếu trung thực nhất quả đất”.
Nguyên nhân xuất phát từ việc một số kênh truyền hình của Mỹ đã phát các hình ảnh cho thấy khu quảng trường trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump thưa vắng người dân đến chứng kiến. Ông Trump cáo buộc truyền thông đã “bôi bác” chuyện này và cho rằng có khoảng 1,5 triệu người đã tham dự lễ nhậm chức của ông, bất chấp việc một số quan chức ước tính chỉ gần 200.000 người.
Thư ký báo chí Nhà Trắng, ông Sean Spicer giải thích rằng, vì yêu cầu cần thắt chặt an ninh tối đa nên buộc phải hạn chế số người tại khu quảng trường National Mall. Tuy nhiên, ông Spicer khẳng định: “Đây là số người xem lớn nhất từ trước đến nay tại một buổi lễ nhậm chức, cả về số người tham dự trực tiếp lẫn những người xem trên toàn cầu”. Song, ông Spicer không đưa ra chứng cứ cụ thể.
Hãng AP cho biết, không những cáo buộc truyền thông “bóp méo” số liệu người tham gia lễ nhậm chức của mình, ông Trump còn cáo buộc họ đã bịa đặt chuyện giữa ông và CIA có mối hận thù sâu sắc.
Cũng trong ngày làm việc thứ hai tại Nhà Trắng của ông Trump, người ta thấy có những tín hiệu đầu tiên về các hoạt động liên quan chính sách ngoại giao của tân Tổng thống Mỹ. Theo báo Telegraph, Thủ tướng Anh Theresa May có kế hoạch công du Mỹ để hội đàm với ông Trump. Ông Sean Spicer cho hay, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp gỡ vào ngày 27-1 tại Washington. Đương nhiên đây sẽ là cơ hội để Thủ tướng Anh có thể thảo luận về những vấn đề từ lâu đã tạo nên “quan hệ đặc biệt” giữa hai nước, một cột trụ trung tâm trong chính sách đối ngoại của London.
Tuần này, ông Trump cũng có kế hoạch gặp Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, lãnh đạo của quốc gia láng giềng và cũng là đồng minh lâu đời của Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đã điện đàm với nhau trong ngày 21-1 và lên kế hoạch gặp gỡ vào ngày 31-1. Theo ông Spicer, thương mại sẽ là một phần trong chương trình nghị sự giữa ông Trump và lãnh đạo Mexico, cùng với đó là các vấn đề an ninh và nhập cư.
Ông Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã có cuộc điện đàm trong ngày 21-1, đồng thời bàn thảo về việc thu xếp các cuộc gặp khác trong những ngày tới.
TRẦN ĐẮC LUÂN