.

Di sản của ông Obama với thế hệ tương lai

.

Là Tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Mỹ, với 8 năm tại nhiệm, Tổng thống Barack Obama đã để lại di sản là những ước mơ lớn, những nụ cười rạng rỡ cho những chủ nhân tương lai của đất nước này.

Vợ chồng Tổng thống Barack Obama tổ chức một dạ tiệc dành cho trẻ em tại Nhà Trắng (ảnh tư liệu ngày 18-7-2014).  Ảnh: Reuters
Vợ chồng Tổng thống Barack Obama tổ chức một dạ tiệc dành cho trẻ em tại Nhà Trắng (ảnh tư liệu ngày 18-7-2014). Ảnh: Reuters

Người ta đã nói nhiều về các di sản để lại trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Barack Obama trong những ngày ông chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Nhưng có một di sản đặc biệt, di sản tinh thần vô cùng to lớn ông đã để lại cho các thế hệ trẻ nước Mỹ: những đứa trẻ vẫn luôn nhắc tới ông với sự yêu kính và trọng thị, coi ông là tấm gương về sự nỗ lực mạnh mẽ nhất vượt qua mọi rào cản về chủng tộc để khẳng định bản thân ở đất nước số một thế giới. Có một ấn tượng mà vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ khiến mọi người cảm thấy thật tự nhiên ở ông: dường như ông luôn ôm những đứa trẻ theo cách trìu mến như thể chúng là con của ông.

Với cô bé Michelle Yemba, hiện 6 tuổi, đến nay em vẫn thường kể với mọi người về kỷ niệm từ hai năm trước, khi em được gặp Tổng thống Mỹ. Lần đó, Tổng thống Obama bất ngờ ghé thăm chương trình Head Start mà cô bé Michelle Yemba đang tham gia ở thành phố Lawrence, bang Kansas.

Khi trò chuyện cùng em, Tổng thống bảo, ông biết có một người khác cũng có tên giống em, đó là một trong những người mà ông yêu mến nhất, ông bảo vậy, rồi rụt rè nhắc tới tên vợ ông - bà Michelle Obama. “Tổng thống có sự gần gũi rất tự nhiên với trẻ em”, bà Clara Cox, Giám đốc chương trình Head Start nhớ lại chuyến thăm lần đó của Tổng thống.

Còn với cậu bé Jedi Scott, một kỷ niệm từ lúc 10 tháng tuổi có lẽ sẽ luôn được mọi người kể lại với em khi những người hàng xóm ở vùng Brooklyn đã gọi em là “em bé Obama”, bởi một sự việc diễn ra năm 2009, trước lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Obama.

Lần đó, tại một sự kiện ở Washington, Tổng thống Obama đã nhấc bổng cậu bé 10 tháng tuổi này lên và nói với vợ mình: “Michelle này, anh nghĩ chúng ta vừa quyết định sẽ đưa cậu bé Jedi này về nhà nhé”. Đứng bên cạnh là cha mẹ em, anh Jason Scott và chị Kippy Joseph.

Vào thời điểm đó, hàng loạt máy ảnh cùng chớp sáng và ngày hôm sau, “điện thoại nhà tôi như nổ tung”, anh Scott kể lại. Cậu bé Jedi mới 10 tháng tuổi đã ngước nhìn vị Tổng thống và mỉm cười vui sướng. Bức ảnh được đăng trên trang nhất của tờ New York Times.

Nay Jedi 8 tuổi. “Chúng tôi thực sự đã cùng thằng bé và con gái Kaia của chúng tôi xem bài diễn văn từ biệt của Tổng thống, Jedi đã hiểu lịch sử và tầm quan trọng của nó, rằng ông ấy chính là vị Tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên và hiểu rằng điều đó có ý nghĩa biết bao nhiêu với mọi người”, chị Joseph nói.

Dường như trong suốt 8 năm tại nhiệm, Tổng thống Obama luôn dành khoảng thời gian nhất định trong quỹ thời gian vô cùng quý báu của ông để gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ với những chủ nhân tương lai của nước Mỹ.

Một câu chuyện mà những người trong cuộc vẫn còn nhớ rất rõ là không lâu sau khi bộ phim tài liệu giáo dục có tên Waiting for Superman (Chờ đợi siêu nhân) phát sóng năm 2010, Tổng thống Obama đã mời các học sinh, sinh viên xuất hiện trong bộ phim đó cùng gia đình họ và các giáo viên đến thăm Nhà Trắng.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được gặp một người có vị trí cao như ông ấy”, chị Nakia Whitfiel - mẹ của học sinh Bianca chia sẻ. “Là người mẹ, tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi biết con mình có một cơ hội một phần một triệu để được gặp vị Tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ”. Người mẹ này tin rằng: “Đây sẽ là thời khắc sẽ đi theo suốt cuộc đời con bé”.

Còn với Emily Jones, một sinh viên từng được Tổng thống mời đến Phòng Bầu dục trong dịp đó nay là sinh viên năm cuối đại học và đang nuôi ước mơ trở thành giáo viên chia sẻ: “Những hành xử và sự quan tâm của ông ấy với chúng tôi cho thấy một di sản để lại với thế hệ các nhà giáo dục hiện tại và tương lai. Tôi sẽ luôn biết ơn sự tận tình và ủng hộ của ông ấy dành cho nền giáo dục chung”.

Quốc hội Mỹ nhất trí hủy bỏ chính sách Obamacare

Ngày 13-1 (giờ Washington), đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ thông qua biện pháp khởi động quá trình chấm dứt chính sách chăm sóc y tế cho người dân, thường được gọi là Obamacare, bất chấp những quan ngại về việc chưa rõ sẽ thay đổi nó bằng chính sách nào.

Với số phiếu 227-198, Hạ viện đã nhất trí chỉ đạo một ủy ban soạn thảo luật hủy bỏ chính sách Obamacare vào ngày 27-1 tới. Trước đó, ngày 12-1, Thượng viện cũng đã thông qua biện pháp này.

Với việc bỏ phiếu nói trên, đảng Cộng hòa bắt đầu tiến hành thực thi cam kết trong việc chấm dứt chính sách Obamacare. Nghị quyết này được thông qua tại lưỡng viện Quốc hội mà không cần sự phê chuẩn của Tổng thống, vì nó là một phần của quá trình xử lý ngân sách trong nội bộ Quốc hội. Tuy nhiên, sau khi dự luật hủy bỏ Obamacare được soạn thảo, cần được hai viện Quốc hội thông qua và cần được Tổng thống phê chuẩn.

Vào thời điểm đó, ông Trump cũng đã tuyên thệ nhậm chức. Đó là lý do Tổng thống đắc cử thúc giục Quốc hội hành động nhanh chóng trong việc hủy bỏ chính sách Obamacare và thay thế bằng một chính sách khác.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.