Quốc tế

Nhật Bản muốn thúc đẩy liên minh với Mỹ

07:54, 21/01/2017 (GMT+7)

Ngày 20-1, phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản chỉ vài giờ trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ.

Hãng Reuters cho biết, ông Trump đã khơi mào những lo lắng ở Nhật Bản và các nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những phát biểu trong chiến dịch tranh cử, trong đó có việc đề nghị các đồng minh phải trả thêm chi phí cho sự hỗ trợ an ninh của Mỹ. Đồng thời, ông cũng phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Giờ đây, phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội Nhật Bản, ông Abe nói: “Liên minh Nhật - Mỹ đã, đang và sẽ là nền tảng cho các chính sách ngoại giao và an ninh của đất nước chúng ta. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch”. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng cho biết, ông sẽ sớm có chuyến thăm Mỹ để củng cố hơn nữa liên minh với tân Tổng thống Donald Trump. Sau bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, ông Abe đã gặp gỡ tỷ phú Trump ở New York và gọi người sắp tiếp quản Nhà Trắng là “nhà lãnh đạo đáng tin cậy”.

Cũng theo Reuters, Thủ tướng Abe nhắc lại sự ủng hộ đối với TPP trong khi thỏa thuận này có nguy cơ “đóng băng” do vấp phải sự phản đối của ông Trump.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng gọi việc thúc đẩy liên minh giữa nước ông và Mỹ là điều then chốt đối với hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực.

* Trong một diễn biến khác, ngày 20-1, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, Mỹ phải tham gia các thỏa thuận quốc tế dưới thời ông Donald Trump. Song, ông Schaeuble không hề mong đợi một cuộc chiến thương mại lớn xảy ra mặc dù ông Trump đang tấn công các nhà sản xuất ô-tô của Đức. Trong tuần này, ông Trump chỉ trích các nhà sản xuất ô-tô Đức thất bại trong việc làm ra thêm ô-tô ở Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế 35% đối với các sản phẩm ô-tô nhập khẩu.

Trước thềm nhậm chức, ông Trump vẫn cam kết sẽ thay đổi chính sách thương mại của Mỹ và các nhà kinh tế học cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống thứ 45 sẽ là nguy cơ lớn nhất cho sự tăng trưởng của cường quốc hàng đầu thế giới.

Về phía Nga, trên trang mạng xã hội facebook, Thủ tướng Dmitry Medvedev nói rằng, vẫn chưa rõ chính sách của ông Trump hướng về Mátxcơva như thế nào nhưng “chúng tôi sẵn sàng chia sẻ công việc để cải thiện quan hệ”. Theo ông Medvedev, chính phủ Mỹ dưới thời ông Barack Obama đã phá vỡ quan hệ song phương với Nga và đây là sai lầm. Mátxcơva đang hy vọng “hành động thông minh hơn, cân nhắc hơn và có trách nhiệm hơn” của chính phủ Mỹ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng.

Hãng AP cho biết, nhiều người Nga đang trông đợi ông Trump nhậm chức với kỳ vọng Tổng thống Putin và tân Tổng thống Mỹ sẽ “nói cùng một ngôn ngữ”. Một số hộp đêm và bar ở Nga còn tổ chức tiệc để mừng sự kiện ông Trump bước vào Nhà Trắng.

PHÚC NGUYÊN

.