Quốc tế

Nhiều nước tiếp tục phản đối chính sách hạn chế nhập cảnh vào Mỹ

21:50, 29/01/2017 (GMT+7)

Nhiều nước trên thế giới tiếp tục phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-1 ký sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen.

Người dân Mỹ biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh của tân Tổng thống Mỹ tại sân bay quốc tế San Francisco ở bang California ngày 28/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân Mỹ biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh của tân Tổng thống Mỹ tại sân bay quốc tế San Francisco ở bang California ngày 28/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 29/1, Iran tuyên bố sẽ ngăn chặn các công dân Mỹ nhập cảnh vào nước này để trả đũa lệnh cấm của Washington.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, quy định ngừng cấp thị thực nhập cảnh đối với người Hồi giáo tới Mỹ là sự "xúc phạm" đối với thế giới Hồi giáo nói chung và quốc gia Hồi giáo Iran nói riêng.

Quyết định của Washington là không thể chấp nhận được đối với những người thân và bạn bè của khoảng một triệu người Mỹ gốc Iran, những người thường xuyên qua lại Mỹ.

Bộ Ngoại giao Iran cho rằng quyết định trên của Mỹ được xem như "món quà lớn" đối với những phần tử cực đoan.

Tuyên bố nêu rõ mặc dù tôn trọng người dân Mỹ, không gắn họ với các chính sách thù địch của Chính phủ Mỹ, nhưng Teheran sẽ thực thi nguyên tắc "có đi có lại" cho đến khi chính sách hạn chế tiếp nhận người tị nạn và cấp thị thực đối với công dân Iran được bãi bỏ.

Cùng ngày, Chính phủ Đức tuyên bố lấy làm tiếc khi Mỹ ban hành chính sách hạn chế tiếp nhận người tị nạn và ngừng cấp thị thực nhập cảnh đối với những công dân thuộc 7 quốc gia có đa số người Hồi giáo nói trên, nhấn mạnh sẽ xem xét những hậu quả xảy ra đối với công dân Đức mang hai quốc tịch.

Theo người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel, Thủ tướng Đức đã bày tỏ lo ngại với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 29/1.

Bà Merkel đã nhắc nhở rằng Công ước Geneva yêu cầu cộng đồng quốc tế tiếp nhận người tị nạn chiến tranh dựa trên những nền tảng nhân đạo.

Chính phủ Đức sẽ xem xét những hậu quả của quyết định trên đối với các công dân Đức mang hai quốc tịch và sẽ bảo vệ những lợi ích của họ trong trường hợp cần thiết.

Trong khi đó, mặc dù không nằm trong những nước bị Mỹ đưa vào danh sách hạn chế, song Indonesia, quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới, cũng lên tiếng phản đối, khẳng định chính sách hà khắc của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với những người nhập cư Hồi giáo sẽ phá hoại cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia nêu rõ Jakarta lấy làm tiếc về chính sách của chính quyền Mỹ, cho rằng nó sẽ tác động đến cuộc chiến chống khủng bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmannatha Nasir khẳng định sẽ là sai lầm khi gắn thuyết cấp tiến và chủ nghĩa khủng bố với một tôn giáo cụ thể.

Theo Vietnam+

.