Ngày 9-1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu bàn thảo hiến pháp mới gây nhiều tranh cãi về việc gia tăng quyền của tổng thống, cụ thể là đối với nhà lãnh đạo đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan.
Hãng AFP cho biết, hiến pháp mới gồm 18 điều sẽ thay thế luật pháp cơ bản vốn được hình thành trong làn sóng cuộc đảo chính quân sự năm 1980 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, hiến pháp mới lần đầu tiên thiết lập một hệ thống tổng thống chính thức để điều hành đất nước. Ông Erdogan cùng đảng Công lý và Phát triển cầm quyền (AKP) nói rằng, hệ thống này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với các nước như Mỹ và Pháp; đồng thời hệ thống cần thiết trong việc xây dựng một chính phủ hiệu quả. Dự thảo hiến pháp đã được một ủy ban Quốc hội thống nhất trước thềm năm mới 2017.
AKP cần hơn 330 phiếu để thông qua hiến pháp trước khi đưa ra trưng cầu dân ý. Song, trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11-2015, AKP đã mất đa số ghế trong Quốc hội và hiện phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa cánh hữu đối lập (MHP) - đảng lớn thứ tư.
Sau khi Quốc hội thông qua hiến pháp, cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đó, tức khoảng cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.
Một nội dung đáng lưu ý trong hiến pháp là nhiệm kỳ tổng thống sẽ là 5 năm và được giữ cương vị này tối đa 2 nhiệm kỳ.
PHÚC NGUYÊN