Ngay trước thềm Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN (AMM Retreat) diễn ra từ ngày 19-21/2 tại Bocary, Philippines, tờ The Malay Mail (Malaysia) ngày 17-2 có bài viết về hội nghị này kêu gọi đoàn kết ASEAN, xây dựng vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy nhanh thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và khẳng định vai trò quan trọng của phán quyết của Tòa trọng tài ở La Hay, Hà Lan về tranh chấp ở Biển Đông.
Các nhà hoạt động Philippines vui mừng sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở Lahay trong cuộc tuần hành tại Manila. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo tờ báo, Philippines đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN từ Lào với trách nhiệm nặng nề nhằm đảm bảo các vấn đề đang cản trở khu vực phải được tập trung giải quyết một cách thích đáng.
Một trong những vấn đề này là tranh chấp trên Biển Đông với sự tham gia của 4 thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và một bên ngoài ASEAN là Đài Loan.
Hội nghị AMM Retreat tới sẽ là phép thử đầu tiên cho Philippines và 9 nước thành viên còn lại của ASEAN để đảm bảo rằng vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục được ưu tiên và quan tâm tương xứng với tầm quan trọng địa chính trị của nó.
Tờ báo nhấn mạnh ASEAN cần tập trung bàn thảo một số vấn đề quan trọng sau: Vai trò trung tâm của ASEAN, đoàn kết ASEAN, đẩy nhanh quá xây dựng COC và nhấn mạnh tầm quan trọng của phán quyết của PCA trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
Việc thực hiện Cộng đồng ASEAN theo hình dung của các nhà lãnh đạo ASEAN và sự háo hức đợi chờ của người dân ASEAN sẽ quyết định vận mệnh tương lai của ASEAN như là một tổ chức khu vực năng động có sự ảnh hưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, hòa bình và an ninh khu vực phải được duy trì, gìn giữ và điều đầu tiên đảm bảo cho việc này đó là giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Muốn vậy, các yếu tố nêu trên - vai trò trung tâm của ASEAN, sớm kết thúc đàm phán COC, ủng hộ phán quyết PCA và đoàn kết, thống nhất ASEAN là chìa khóa cho thành công của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, bao gồm cả việc chấm dứt các hoạt động bồi lấn, tôn tạo trong tương lai nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo Vietnam+