Quốc tế

Cuộc chiến xung quanh sắc lệnh cấm nhập cảnh

08:02, 06/02/2017 (GMT+7)

Bộ Tư pháp Mỹ chính thức đệ đơn kháng cáo đối với phán quyết của tòa án liên bang Washington nhằm chặn sắc lệnh cấm người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump gọi phán quyết vô hiệu hóa lệnh cấm nhập cảnh là lố bịch.

Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump vấp phải sự phản đối của người dân Mỹ và nhiều nước trên thế giới. 					             Ảnh: AFP
Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump vấp phải sự phản đối của người dân Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Ảnh: AFP

Bất đồng xung quanh sắc lệnh cấm nhập cảnh được Tổng thống Donald Trump ban hành ngày 27-1 đang làm dấy lên cuộc chiến giữa hành pháp và tư pháp ở Mỹ. Sắc lệnh của Tổng thống Trump yêu cầu ngừng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày; cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn; đồng thời cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo bao gồm: Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày, đang tạo ra những tranh cãi, ồn ào, thậm chí biểu tình ở cường quốc hàng đầu thế giới này. Hơn 60.000 thị thực đã bị thu hồi chỉ trong vòng 1 tuần sau khi ông Trump ký sắc lệnh. Song, Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra con số gần 100.000 thị thực.

Hàng ngàn người từ London (Anh), Paris (Pháp), Berlin (Đức), Stockholm (Thụy Điển), Ottawa, Toronto (Canada), đến New York, Washington đã tổ chức các cuộc biểu tình mới chống ông Trump. Theo AFP, khoảng 3.000 người tuần hành ở New York, 10.000 người tuần hành ở London.

Quyết định của ông James Robart, Thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle (bang Washington), là đòn giáng mạnh nhất nhằm vào sắc lệnh Tổng thống Trump. Hãng Reuters tường thuật: Ngày 28-1, khi Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson từ Florida đến Seattle, phản ứng tức giận của công chúng đối với sắc lệnh cấm nhập cảnh gia tăng nhanh chóng. Đến cuối chiều 30-1, chỉ vài phút trước khi tòa án đóng cửa, ông Ferguson - một người thuộc đảng Dân chủ - cùng nhóm luật sư của mình sẵn sàng đệ đơn đòi vô hiệu hóa sắc lệnh của Tổng thống Trump. Đến ngày 3-2, họ đã giành chiến thắng khi Thẩm phán Robart ra quyết định chặn sắc lệnh gây nhiều tranh cãi này.

Hãng Reuters cho rằng, cuộc chiến xung quanh sắc lệnh nhập cảnh chỉ là động thái đầu tiên trong hàng loạt cuộc đối đầu giữa các cơ quan pháp lý và chính phủ Mỹ. Washington và một số bang khác chỉ trích Tổng thống Trump vi phạm hiến pháp. Một số tổng chưởng lý nói rằng, họ có thể kiện tân Tổng thống đối với nhiều vấn đề khác nhau nếu ông vượt quá quyền hạn. Bộ Ngoại  giao Mỹ khẳng định tất cả công dân 7 nước Hồi giáo nói trên có quyền vào Mỹ miễn là visa còn hiệu lực. Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng tuyên bố sẽ ngừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh.

Ngày 4-2, ông Trump gọi phán quyết của Thẩm phán Robart, người vốn do cựu Tổng thống G.W. Bush bổ nhiệm, là lố bịch, tồi tệ và tuyên bố sẽ lật ngược phán quyết này. Tân Tổng thống cũng cho rằng, quyết định của Thẩm phán Robart chẳng khác nào “mở cửa cho những kẻ khủng bố tiềm năng” vào nước Mỹ. “Chúng ta sẽ chiến thắng. Vì sự an toàn của đất nước, chúng ta sẽ chiến thắng”, ông Trump phát biểu với báo giới.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer gọi sắc lệnh là “hợp pháp và phù hợp”. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã chính thức đệ đơn kháng cáo chống lại phán quyết của tòa Washington. Tuy nhiên, sáng sớm 5-2, tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9 ở San Francisco bác yêu cầu do Bộ Tư pháp đưa ra nhằm phục hồi sắc lệnh của ông Trump.

Nhà Trắng vẫn khăng khăng rằng, lệnh cấm nhập cảnh cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố ở nước Mỹ nhưng xem ra lý giải này không mấy thuyết phục. Các chuyên gia từ những lĩnh vực như tình báo, chống khủng bố, ngoại giao cho rằng, lệnh cấm ít hiệu quả nhất và thậm chí kích động sự hận thù Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, vẫn có những cuộc tuần hành diễn ra ở Mỹ nhằm ủng hộ sắc lệnh. Một thăm dò mới đây do Đại học Quinnipiac thực hiện cho thấy 48% người dân đồng tình với sắc lệnh này.  

VĨNH AN

.