Quốc tế

Giải pháp hòa bình cho Syria: Vẫn là bài toán khó

11:12, 24/02/2017 (GMT+7)

Các cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria được nối lại tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Song, ngay cả đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, người nỗ lực để thúc đẩy hòa bình ở quốc gia Trung Đông này, cũng không kỳ vọng về sự đột phá nào.

Xe tăng của chính phủ Syria ở đông Aleppo. Thời gian gần đây, lực lượng chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực ở quốc gia này.  						Ảnh: AFP/Getty Images
Xe tăng của chính phủ Syria ở đông Aleppo. Thời gian gần đây, lực lượng chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực ở quốc gia này. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo báo The Guardian, ông Staffan de Mistura nói rằng, đàm phán ở Geneva ngày 23-2 là một “thử thách lớn”. Song, vị đặc phái viên Liên Hợp Quốc này lại khuyến cáo, sẽ khó có sự đột phá nào nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua ở Syria. Điều mà ông mong muốn là đàm phán đơn thuần tái khởi động tiến trình hướng đến một giải pháp chính trị để kết thúc chiến tranh ở Syria.

Hãng Reuters cho biết, đây là vòng đàm phán đầu tiên về Syria do Liên Hợp Quốc làm trung gian trong gần một năm qua. Ông Mistura nói rằng, Nga - vốn ủng hộ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad - đã yêu cầu chính phủ Syria trong suốt đàm phán “giữ yên lặng trên bầu trời của họ ở khu vực ngừng bắn”. Các nước thân với phe đối lập Syria cũng thúc giục lực lượng này giảm sự khiêu khích.

Một vài giờ sau, trong lúc có những nghi ngờ về “sự sẵn sàng” và thiện chí của Damascus, phe đối lập Syria kêu gọi các cuộc đàm phán trực tiếp với phái đoàn chính phủ để giúp tiết kiệm thời gian và chứng tỏ sự nghiêm túc, thay vì đàm phán trong những căn phòng riêng biệt. Song thực tế, trong 3 vòng đàm phán cũng ở Geneva vào năm ngoái, hai bên chưa khi nào ngồi cùng bàn đàm phán mà chỉ trao đổi gián tiếp thông qua ông Mistura. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của nhóm Ủy ban Đàm phán cấp cao thuộc phe đối lập, ông Salem al-Muslet, cho hay lực lượng này không muốn đàm phán vừa được nối lại cũng như cuộc hòa đàm một năm trước và rốt cuộc chẳng đi đến đâu.

Đặc phái viên Mistura bày tỏ hy vọng không bên nào phá vỡ đàm phán bằng hành động khiêu khích và việc hướng đến một giải pháp chính trị là cần thiết để ngăn chặn những kẻ phá hoại những nỗ lực hòa bình.

Theo đó, trong đàm phán ở Geneva ngày 23-2, vấn đề “chuyển tiếp chính trị” tiếp tục được đặt ra. Điều kiện của phe đối lập là Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực. Song, chính phủ Syria từ trước đến nay vẫn không muốn đưa vấn đề này vào nội dung đàm phán. Đến nay, khi quân chính phủ giành quyền kiểm soát nhiều khu vực, trong đó đặc biệt là đông Aleppo, cục diện chiến trường cũng thay đổi, vị thế của phe đối lập theo đó bị giảm sút và dường như họ cũng tự nhận thấy điều này. Cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford nói: “Cách đây một năm, vị trí của ông Assad dường như mong manh hơn. Tôi cho rằng, không ai trong lúc này nghĩ ông ấy sẽ phải rời bỏ cương vị”.

Hơn nữa, quan điểm của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước vốn ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria - cũng thay đổi. Chính phủ của Tổng thống Donald Trump tuyên bố xem xét lại mọi vấn đề liên quan đến sự can dự của Mỹ ở Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không theo đuổi giải pháp cho cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này nữa.

Trước giờ đàm phán ở Geneva lần này, ông Mistura tuyên bố sẽ bác bỏ bất kỳ điều kiện nào, đồng thời nhấn mạnh mục đích đàm phán là phát triển một hệ thống mới, đáng tin cậy và một hệ thống chính phủ không bè phái, một tiến trình bầu cử tự do và công bằng, cùng một hiến pháp mới. Theo ông, chỉ có người Syria mới có thể viết nên hiến pháp của mình.

Dẫu có những diễn biến mới, những tín hiệu tươi sáng cho đàm phán vừa được nối lại nhưng vẫn còn quá sớm để nói về một thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria. Vì vậy, sự thận trọng của ông Mistura là điều dễ hiểu. Hòa bình cho Syria phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không thể chỉ có sự nỗ lực hay bảo trợ từ Liên Hợp Quốc.

PHÚC NGUYÊN

.