Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria xung quanh việc nước này sử dụng vũ khí hóa học. Song, các nhà ngoại giao cho rằng, Nga chắc chắn sẽ bỏ phiếu chống.
Nga đã 6 lần phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về giải pháp trừng phạt Syria. Ảnh: AFP |
Theo AFP, cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra sớm nhất vào ngày 27-2 hoặc 28-2 (giờ New York, Mỹ). Một quan chức Mỹ hy vọng việc bỏ phiếu được tiến hành càng sớm càng tốt. Ngày 24-2, HĐBA bàn thảo về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria trong lúc có những nghi ngại về báo cáo của ủy ban điều tra. Anh, Pháp và Mỹ đang thúc đẩy việc cấm bán trực thăng cho Syria; đồng thời trừng phạt 11 cá nhân, 10 tổ chức, công ty Syria liên quan đến các vụ tấn công hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Giải pháp nói trên được đưa ra sau cuộc điều tra chung của LHQ và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Theo đó, hồi tháng 10-2016, OPCW kết luận: Quân đội Syria đã tiến hành ít nhất 3 cuộc tấn công hóa học trong năm 2014 và 2015.
Một nhà ngoại giao giấu tên nói rằng, đây là phản ứng đáng kể mà HĐBA LHQ đã cam kết thực hiện trước bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Song, nhà ngoại giao này cho hay, tại một cuộc họp hồi cuối tuần qua, Nga tuyên bố sẽ ngăn chặn dự thảo nghị quyết. Thực tế, Nga đã 6 lần dùng quyền phủ quyết của mình tại HĐBA LHQ để bảo vệ đồng minh Syria khỏi các “án phạt”. Trong cuộc họp vào tuần tới, Trung Quốc có thể bỏ phiếu trắng.
Dự thảo nghị quyết do Pháp và Anh đệ trình HĐBA hồi tháng 12-2016 nhưng vấp phải sự phản đối của Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng, dự thảo nghị quyết là không thể chấp nhận được và nhằm gây sức ép chính trị đối với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Dự thảo nghị quyết sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại toàn cầu và “đóng băng” tài sản đối với 11 cá nhân Syria, hầu hết là các quan chức quân đội, trong đó có người đứng đầu lực lượng tình báo không quân và những người chỉ huy hoạt động không quân ở những khu vực nơi xảy ra các cuộc tấn công. Những chỉ huy này bị cáo buộc liên quan đến một vụ tấn công, trong đó các trực thăng đã thả bom thùng có chứa khí clo xuống các làng Qmenas, Talmenes và Sarmin.
Trong số các tổ chức bị đưa vào “danh sách đen” có Trung tâm Nghiên cứu CERS ở thủ đô Damascus, bị cho là có trách nhiệm trong việc sản xuất và phát triển vũ khí hóa học. Ngoài ra, “danh sách đen” còn có 5 công ty khác ở Syria.
Dự thảo nghị quyết cũng cấm bán, cung cấp hoặc chuyển giao cho lực lượng vũ trang Syria, cho chính phủ trực thăng hoặc các trang thiết bị liên quan, gồm cả phụ tùng thay thế. Hơn nữa, Pháp và Anh còn đề xuất thành lập một ủy ban trừng phạt.
Tuy nhiên, Syria bác bỏ việc sử dụng vũ khí hóa học, trong khi Nga không đồng ý với những gì gọi là bằng chứng của ủy ban điều tra. Ủy ban này cũng từng kết luận rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từng sử dụng khí mù tạt trong một cuộc tấn công năm 2015.
Trong lúc đó, tại cuộc đàm phán diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura thúc giục phe đối lập Syria nhận trách nhiệm “lịch sử” nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Ông Mistura có các cuộc gặp gỡ song phương trong ngày 24-2 để tìm một giải pháp hòa bình cho Syria. Song, bất chấp những nỗ lực hòa đàm, giao tranh giữa các phe phái đối địch tại Syria vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 24-2. Vì vậy, các nhà phân tích không kỳ vọng đàm phán sẽ mang lại kết quả khả quan, mà chỉ là sự khởi đầu cho một tiến trình đàm phán có thể còn kéo dài.
THIÊN BÌNH