Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết Washington và các đồng minh sẽ đánh bại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, đồng thời không cho phép lực lượng này “cắm rễ” trên đất Mỹ.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại căn cứ không quân MacDill. Ảnh: AP |
Ngày 6-2, giờ Florida (sáng 7-2, giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đến thăm căn cứ không quân MacDill ở Tampa, bang Florida. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ (Centcom) phụ trách vùng Trung Đông và Trung Á. Tại đây, ông cam kết Mỹ và đồng minh sẽ đánh bại “lực lượng của cái chết” và khiến các phần tử thánh chiến cực đoan không còn chỗ đứng trên đất Mỹ.
Song, tân Tổng thống không đề cập chi tiết chiến lược của ông trong việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng không cho biết có hủy bỏ sứ mệnh chống IS tại Iraq và Syria, vốn được thực hiện dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama hay không. “Hôm nay, chúng ta phát một thông điệp dành cho lực lượng của cái chết và sự hủy diệt - Mỹ và đồng minh sẽ đánh bại các người. Chúng ta sẽ đánh bại chúng”, ông nói với khoảng 300 binh sĩ.
Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ đánh bại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Và chúng ta sẽ không cho phép chúng cắm rễ trên đất nước của chúng ta. Tự do, an ninh và công lý sẽ chiến thắng”. Ông cũng cáo buộc các tay súng IS dẫn đầu “một chiến dịch diệt chủng, phạm tội trên khắp thế giới”; đồng thời ông cam kết “đầu tư tài chính lịch sử” cho quân đội Mỹ.
“Những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan quyết tâm tấn công đất nước chúng ta như chúng đã làm trong ngày 11-9-2001, như chúng đã thực hiện từ Boston đến Orlando, San Bernardino và trên khắp châu Âu”, Tổng thống Trump nói thêm.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã đề cập chiến dịch chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan và vấn đề này đang chiếm lĩnh nội dung các chính sách đối ngoại cũng như đối nội của ông.
Centcom đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch “Operation Inherent Resolve” (tạm dịch “Nhổ tận gốc”) - sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu nhằm “làm suy yếu và đánh bại” IS với tổng cộng 17.861 cuộc không kích ở phía bắc Syria và Iraq kể từ tháng 8-2016 đến nay. Hồi cuối tháng 1 vừa qua, tân Tổng thống Trump đã yêu cầu bắt đầu 30 năm xem xét chiến lược chống IS của Mỹ.
Ngoài việc chiếm giữ một phần lãnh thổ Syria, Iraq và tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, IS còn nhận trách nhiệm các vụ tấn công ở châu Phi, châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á cũng như khắp Trung Đông. IS đồng thời tạo ảnh hưởng đến những kẻ tấn công khác trên đất Mỹ như trong vụ việc ở San Bernardino, California làm 14 người chết hồi tháng 12-2015 và vụ xả súng ở hộp đêm Orlando làm 49 người chết vào tháng 6-2016.
Mối đe dọa từ các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng là nguyên nhân khiến ông Trump ban hành sắc lệnh ngừng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày; cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn; và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Sắc lệnh hành pháp này đã khơi mào cho cuộc chiến chưa từng có giữa chính phủ với các tòa án. Tại căn cứ không quân MacDill, Tổng thống Trump nhấn mạnh chỉ cho phép những người mong muốn yêu nước Mỹ tới quốc gia này. “Chúng ta cần các chương trình mạnh mẽ để những ai yêu chúng ta và mong muốn yêu nước ta được phép ở lại”, ông chủ Nhà Trắng nói.
Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết các chuyên gia lo ngại hơn về việc người Mỹ trở nên cực đoan và tiến hành các vụ tấn công được truyền cảm hứng từ IS, hơn là tổ chức này cử các chi nhánh bí mật trên khắp thế giới thực hiện.
Liên quan đến lệnh cấm nhập cảnh nói trên, tối 7-2 (giờ Việt Nam), Tòa án phúc thẩm liên bang tại thành phố San Francisco, bang California tiến hành phiên điều trần đầu tiên để xem xét khả năng khôi phục sắc lệnh gây nhiều tranh cãi. Sắc lệnh này vốn bị thẩm phán liên bang của thành phố Seattle James Robart ngăn chặn trước đó. Khoảng 100 tập đoàn ở Mỹ, trong đó có Apple, Google, Microsoft, đã đệ đơn lên tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ phản đối sắc lệnh sắc lệnh của ông Trump.
PHÚC NGUYÊN