Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, nước ông và Mỹ sẽ là liên minh vững chắc. Nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ gặp gỡ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington vào ngày 10-2 tới.
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng trong chính sách ngoại giao, an ninh của Tokyo. Ảnh: EPA |
Thủ tướng Shinzo Abe sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 11-2016. Ngày 3-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Nhật, mang theo thông điệp khẳng định cam kết của Washington đối với Tokyo về thỏa thuận quốc phòng song phương. Ông Mattis đã chọn nền kinh tế lớn thứ ba thế giới để thực hiện chuyến công cán nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Điều này cho thấy Tokyo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại và an ninh của chính phủ Trump.
Ngay trước thềm lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20-1 vừa qua, Thủ tướng Abe đã khẳng định trước Quốc hội Nhật Bản rằng, liên minh Mỹ - Nhật đã, đang và sẽ là nền tảng trong chính sách ngoại giao, an ninh của Tokyo. “Đó là nguyên tắc không thể thay đổi”, ông Abe nói, đồng thời bày tỏ mong muốn củng cố hơn nữa liên minh Mỹ - Nhật dưới thời tân Tổng thống Donald Trump.
Các nhà quan sát cho rằng, ông Abe muốn nhanh chóng đến Mỹ do lo ngại về những cam kết của Washington đối với châu Á, trong đó có việc bảo vệ Nhật, khi ông Trump sẽ thực hiện chính sách “nước Mỹ là số 1”, trong lúc Tokyo đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa tên lửa, hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Nhật và bắt buộc phải bảo vệ Tokyo chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào. Hiện có khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Nhật. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố có thể rút các binh sĩ về nước.
Hơn nữa, theo các nhà phân tích, với một Tổng thống Mỹ đang hoài nghi về giá trị của các liên minh, Nhật Bản có thể chứng tỏ là một đồng minh khôn ngoan và chia sẻ gánh nặng chi phí để duy trì hòa bình ở Thái Bình Dương. Bản thân Tokyo cũng mong muốn nhấn mạnh rằng, vai trò can dự của Mỹ là thiết yếu đối với sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo New York Times, hiện có những dấu hiệu về việc Nhật sẵn sàng trả chi phí cho sự hiện diện của binh sĩ Mỹ nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, quân đội Mỹ không chỉ bảo vệ Nhật mà còn bảo vệ chính lợi ích của Washington ở châu Á.
Thực tế, Nhật Bản đang gia tăng ngân sách quốc phòng và triển khai khả năng quân sự không chỉ để bảo vệ chính mình mà còn hỗ trợ bảo vệ Mỹ, chẳng hạn như việc hợp tác phòng thủ tên lửa để chống lại CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, Nhật Bản đang mở rộng mối quan hệ quân sự với các đối tác của Mỹ, trong đó có Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhật cũng ủng hộ vị thế toàn cầu của Mỹ, trong đó có các sứ mệnh ở Trung Đông và Afghanistan.
Cũng theo các nhà phân tích, một liên minh mạnh mẽ hơn với Nhật Bản sẽ giúp Mỹ “trở lại” - như mục tiêu tổng quát mà ông Trump đặt ra. Có được sự ủng hộ của Nhật, Mỹ sẽ dễ dàng hơn trong việc đạt được các mục tiêu ở châu Á, trong đó có việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.
Còn nhiều lý do để Mỹ và Nhật cần “bắt tay” nhau hơn nữa, trong lúc nhiều đồng minh truyền thống của Washington đang cảm thấy thất vọng trước viễn cảnh một chính phủ Mỹ không mang lại giá trị cho họ. Song, cả ông Trump lẫn ông Abe sẽ có những hành xử khôn ngoan để duy trì một liên minh vững chắc, như kỳ vọng của nhà lãnh đạo Nhật Bản.
PHÚC NGUYÊN