Quốc tế

Nhật Bản xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ

09:13, 09/02/2017 (GMT+7)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 9-2 bắt đầu chuyến thăm Mỹ với hy vọng rằng, những cam kết của ông hỗ trợ Washington tạo ra việc làm và thúc đẩy quân sự sẽ xoa dịu căng thẳng thương mại cũng như tiền tệ giữa hai đồng minh lâu năm.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ ông Donald Trump vào ngày 18-11-2016, lúc vị tỷ phú này mới đắc cử Tổng thống Mỹ. 	       Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ ông Donald Trump vào ngày 18-11-2016, lúc vị tỷ phú này mới đắc cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: AFP

Dự kiến các chính sách an ninh, thương mại và tiền tệ là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe.

Hãng Reuters cho biết, các quan chức Nhật Bản đã được “trấn an” bởi cam kết bảo đảm an ninh từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và những người khác. Ông chủ Lầu Năm Góc đã kết thúc chuyến thăm Nhật hồi cuối tuần trước với lời hứa duy trì hiệp ước quốc phòng cùng Tokyo. Song, các quan chức Nhật lo lắng ông Trump sẽ có những quan điểm khác khi gặp gỡ Thủ tướng Abe vào ngày 10-2 tại Washington. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật kể từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng ngày 20-1 vừa qua. Cả hai cũng sẽ cùng chơi golf sau đó tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, thị trấn Palm Beach, bang Florida.

Một số quan chức ở Tokyo thậm chí lo lắng rằng, ông Trump sẽ có một số thỏa thuận với Trung Quốc, thay vì “bắt tay” với Nhật Bản. “Những gì chúng tôi muốn biết là thái độ của ông Trump đối với Trung Quốc”, Reuters dẫn lời cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản Yukio Okamoto nói.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Trump bày tỏ nghi ngờ quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ - Nhật. Ông từng phàn nàn Nhật Bản và Hàn Quốc không chia sẻ đủ chi phí để duy trì “chiếc ô an ninh” của Mỹ, tức sự hiện diện của quân đội Mỹ tại hai nước châu Á này. Ông còn dọa sẽ rút 47.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Nhật về nước. Tổng thống Trump cũng cho rằng, Nhật Bản, Trung Quốc và Mexico là những nước đóng góp lớn vào thâm hụt thương mại của Mỹ, đồng thời cáo buộc Tokyo sử dụng chính sách tiền tệ phá giá đồng tiền của mình để đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhật Bản đã công bố thặng dư thương mại 6.800 tỷ yen với Mỹ vào năm ngoái, giảm 4,6% so với năm 2015. Các nguồn tin của chính phủ Nhật cho hay, lần này, đồng hành trong chuyến thăm Mỹ với ông Abe là Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Ngoại trưởng Fumio Kishida, mang theo các thỏa thuận nhằm tạo ra 700.000 việc làm ở Mỹ thông qua việc đầu tư công - tư vào cơ sở hạ tầng như tàu cao tốc. Các nhà sản xuất của Nhật Bản như tập đoàn Toyota Motor cũng dự kiến công bố những khoản đầu tư vào Mỹ. Mới đây, Thủ tướng Abe đã gặp gỡ Giám đốc điều hành Toyota, ông Akio Toyoda, để trao đổi về việc xuất khẩu ô-tô và công việc sản xuất ô-tô ở Mỹ. Trước đó, ông Trump chỉ trích thị trường ô-tô Nhật Bản đóng cửa với các nhà sản xuất của Mỹ. Song, chỉ trong tháng 1, Toyota đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Mỹ trong 5 năm tới và tạo thêm 400 việc làm ở các nhà máy hiện tại của tập đoàn này ở Princeton, bang Indiana. Ngoài ra, trong năm nay, tập đoàn điện tử Sharp có thể bắt đầu xây dựng một nhà máy trị giá 7 tỷ USD ở Mỹ.

Giáo sư Chính trị Mikitaka Masuyama tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia nhận định: Thể hiện cam kết tạo việc làm ở Mỹ là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm lý giải với Tổng thống Trump rằng, một đất nước là bạn không chỉ trong an ninh mà còn trong kinh tế.

Theo Reuters, Tổng thống Trump, người đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), muốn đối thoại mở về một thỏa thuận thương mại tự do song phương với Nhật Bản. Ông cũng muốn đàm phán lại về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa 3 nước Mỹ, Canada và Mexico - những thị trường đầu tư của nhiều công ty Nhật Bản.

PHÚC NGUYÊN

.