.

Bầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu: EU rạn nứt

.

Ba Lan dọa sẽ làm “chệch hướng” hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) bàn về tương lai của khối thời hậu Brexit nếu các nhà lãnh đạo vẫn bầu chọn ông Donald Tusk làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) nhiệm kỳ mới.

Ông Donald Tusk (trái) gặp gỡ Thủ tướng Malta Joseph Muscat tại Brussels (Bỉ) ngày 8-3 trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU. 					Ảnh: AP
Ông Donald Tusk (trái) gặp gỡ Thủ tướng Malta Joseph Muscat tại Brussels (Bỉ) ngày 8-3 trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh mùa xuân của EU diễn ra trong hai ngày 9 và 10-3 tại Brussels (Bỉ) bị phủ bóng bởi sự rạn nứt trong nội bộ khối, xuất phát từ việc Ba Lan phản đối ông Donald Tusk tiếp tục làm Chủ tịch EC. Điều này đe dọa những nỗ lực hướng đến sự thống nhất của EU trong lúc Anh chuẩn bị rời khối.

Ông Tusk vốn là cựu Thủ tướng Ba Lan, giữ chức Chủ tịch EC từ năm 2014 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5-2017. Đầu tháng 2 vừa qua, ông Tusk tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ mới (từ tháng 5-2017 đến tháng 11-2019) và nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên EU, trong đó có Đức, Hà Lan, nhưng vấp phải sự phản đối của Ba Lan.

Hãng Reuters cho biết, chiến lược của Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo ngày 9-3 là gây áp lực đối với lãnh đạo các thành viên EU khác để họ hoãn quyết định, mở đường trong việc tìm ứng cử viên khác thay thế. Phát biểu trên đài truyền hình địa phương, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski khẳng định sẽ thông báo với các đối tác (trong EU) rằng, hội nghị của khối có nguy cơ bị “chệch hướng” nếu các nước bỏ phiếu cho ông Tusk vào ngày 9-3 (giờ Brussels). “Chúng tôi sẽ làm mọi việc để bảo đảm việc tái bổ nhiệm không diễn ra”, vị quan chức này nói. Ba Lan cũng đã đề cử nghị sĩ Jacek Saryusz-Wolski, thành viên đảng Diễn đàn Công dân (PO), tranh cử chức Chủ tịch EC.

Ngày 8-3, ông Tusk tuyên bố “sẵn sàng với sự phán quyết” của 28 nhà lãnh đạo EU. Song, ông bác bỏ chỉ trích của Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo rằng, ông đã vi phạm sự trung lập về chính trị. Theo AFP, ông Tusk và lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý cánh hữu (PiS) cầm quyền ở Ba Lan Jaroslaw Kaczynski vốn là những đối thủ chính trị ở Ba Lan. Ông Kaczynski muốn ông Tusk “chịu trách nhiệm về đạo đức” đối với cái chết của người anh trai song sinh Lech Kaczynski. Năm 2010, khi ông Tusk làm Thủ tướng Ba Lan, ông Lech Kaczynski - lúc đó là Tổng thống Ba Lan - đã tử nạn trong một vụ rơi máy bay ở Nga. Các cuộc điều tra ở cả Nga lẫn Ba Lan đều kết luận nguyên nhân do lỗi của phi công. Ngoài ra, ông Tusk khi làm Chủ tịch EC cũng đã ủng hộ một số quyết định gây bất lợi lớn cho Ba Lan, trong đó có việc trừng phạt tài chính đối với các nước thành viên EU không chấp nhận hạn ngạch nhập cư.

Một nguồn tin của chính phủ Ba Lan cho hay, nước này muốn hoãn việc bỏ phiếu và sau đó sẽ tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để chọn người làm Chủ tịch EC. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết, ông Tusk có thể được bầu lại do hội đủ các tiêu chuẩn và EU cũng không muốn có sự tranh cãi trong nội bộ Ba Lan về vấn đề này.

Việc chính phủ cánh hữu của Ba Lan muốn ngăn chặn ông Tusk đứng đầu EC tạo ra sự rạn nứt giữa các nước đông Âu và tây Âu; đồng thời ảnh hưởng đến các cuộc nghị sự bàn về kinh tế, quốc phòng và bất ổn ở vùng Balkan, cả việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Rome (Ý) vào ngày 25-3 tới nhằm kỷ niệm 60 năm thành lập EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhà lãnh đạo quốc gia lớn nhất châu Âu - cho rằng việc ông Tusk giữ nhiệm kỳ 2 sẽ là “dấu hiệu của sự ổn định”. Bà Merkel kêu gọi bỏ phiếu cho vị cựu Thủ tướng Ba Lan 59 tuổi, người đã chèo chống EU vượt qua giai đoạn khó khăn, trong đó có căng thẳng với Nga, khủng hoảng nợ công Hy Lạp, vấn đề nhập cư và Brexit.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.