Mỹ và Anh đều khẳng định việc hai nước này lần lượt công bố quy định cấm mang thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại di động trong hành lý xách tay lên máy bay không xuất phát từ “mối đe dọa đặc biệt nào”, chỉ nhằm bảo đảm an ninh.
Hành khách làm thủ tục trong chuyến bay của hãng Turkish Airlines đến Mỹ tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
Hãng NBC News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, quy định mới của Mỹ áp dụng cho các chuyến bay đến từ 10 sân bay ở thế giới Hồi giáo không xuất phát từ “mối đe dọa cụ thể, mới phát hiện”. Theo một quan chức Mỹ, 10 sân bay bị đưa vào danh sách (gồm: Amman - Jordan, Kuwait City - Kuwait, Cairo - Ai Cập, Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, Jeddah và Riyadh - Saudi Arabia, Casablanca - Maroc, Doha - Qatar, Dubai và Abu Dhabi - Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) chẳng qua “do cơ sở hạ tầng và bộ máy an ninh tại những nơi này”, việc kiểm tra an ninh của những quốc gia đó ít nghiêm ngặt so với các sân bay ở châu Âu và Mỹ.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng, chính sách mới của Washington là hợp lý bởi các bước đi này cần thiết và phù hợp với mối đe dọa. Theo ông Schiff, hệ thống hàng không toàn cầu vẫn là mục tiêu hàng đầu và đòi hỏi phải có các biện pháp an ninh phù hợp để phòng ngừa.
Các quan chức Mỹ cũng dẫn ra một số yếu tố từ mối đe dọa chung từ Al-Qaeda trên bán đảo Arab và Ibrahim al-Asiri, chuyên gia chế tạo bom của tổ chức này. Al-Asiri bị quy trách nhiệm trong 2 quả bom giấu trên các máy bay chở hàng đến Mỹ năm 2010, đồng thời bị cho là đã hướng dẫn cho những người khác một số kỹ thuật chế tạo bom.
Theo “tối hậu thư” của Mỹ, đến sáng 25-3, 9 hãng hàng không phải bảo đảm việc hành khách ở 10 sân bay không mang bất kỳ thiết bị điện tử nào có kích thước lớn hơn điện thoại di động trong hành lý xách tay lên máy bay.
Theo đó, các thiết bị như: máy tính bảng, camera, máy tính xách tay... phải được đặt trong hành lý ký gửi. Lệnh cấm không áp dụng đối với thiết bị y tế và với các thành viên phi hành đoàn.
Trong khi đó, với lệnh cấm của Thủ tướng Anh Theresa May, hành khách từ 6 quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống (gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Ai Cập, Tunisia và Saudi Arabia) không được mang máy tính xách tay và máy tính bảng có chiều dài quá 16cm, rộng 9,3cm và dày 1,3cm, lên các chuyến bay đến xứ sở sương mù.
Quyết định nói trên làm ảnh hưởng đến ít nhất 15 hãng hàng không. “An toàn và an ninh của việc đi lại là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, một quan chức chính phủ Anh khẳng định. Theo Bộ trưởng Giao thông Anh Chris Grayling, lệnh cấm của Anh không xuất phát từ nguy cơ đe dọa an ninh đặc biệt, mà chỉ nhằm ngăn ngừa những mối đe dọa nói chung đối với ngành hàng không trong lúc các hình thức khủng bố ngày càng tinh vi và phức tạp.
Ngày 24-3, hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Arslan cho biết, Ankara đang đàm phán với các quan chức ngành hàng không thế giới để nới lỏng các điều kiện trong lệnh cấm của Mỹ và Anh. Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bày tỏ ngạc nhiên với lệnh cấm bởi an ninh tại quốc gia này rất nghiêm ngặt.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kinh tế và là người đứng đầu Tổng cục Hàng không dân dụng, ông Sultan bin Saeed al-Mansouri, khẳng định ngành hàng không và các sân bay của UAE an toàn. Ông Mansouri cũng nhấn mạnh sự khác nhau giữa lệnh cấm của Anh và Mỹ, chẳng hạn như London không đưa UAE hay Qatar vào danh sách hạn chế. Song, phía UAE cam kết sẽ hợp tác với Mỹ.
Ý tuyên bố không theo gương Mỹ và Anh trong việc cấm hành khách mang các thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại di động trong hành lý xách tay lên máy bay. Ý cho rằng, không có đủ bằng chứng để ủng hộ các biện pháp an ninh như vậy. Cục Hàng không dân dụng Ý (ENAC) đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia an ninh vào ngày 23-3 để bàn thảo về thông tin mới nhất mà nước này nhận được xung quanh mối đe dọa do các thiết bị điện tử gây ra khi mang lên máy bay. “Không có bằng chứng nào cho thấy phải tăng thêm các biện pháp an ninh đã có trước đó”, tuyên bố của ENAC nêu rõ. Song, cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. |
PHÚC NGUYÊN