Ngày 12-3, cảnh sát Hà Lan trục xuất Bộ trưởng Gia đình và các chính sách xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya khi bà tìm cách đến thành phố Rotterdam để tham dự một cuộc tuần hành. Sự việc này đánh dấu căng thẳng leo thang giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Hà Lan ở Istanbul. Ảnh: AP |
Hãng AFP cho biết, xe chở bà Kaya cùng gia đình bị cảnh sát Hà Lan chặn lại và được hộ tống trở lại biên giới Đức và trở về Istanbul. Trong lúc đó, những người biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam đã tấn công cảnh sát. Ít nhất 12 người bị bắt.
Căng thẳng đã biến thành bạo lực chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng, ông dự kiến tham dự một cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ Ankara tại thành phố Rotterdam. Song Hà Lan cho rằng, ông Cavusoglu không được chào đón tại đất nước này để vận động cho cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ vào tháng 4 tới nhằm gia tăng quyền hạn cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan; đồng thời từ chối cho máy bay chở ông Cavusoglu hạ cánh.
Động thái của Hà Lan làm Tổng thống Erdogan tức giận, thậm chí gọi Hà Lan là “tàn dư của Đức quốc xã”, trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gọi phát biểu của Tổng thống Erdogan là “một nhận định điên rồ”. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định sẽ đáp trả Hà Lan bằng “những cách khắc nghiệt nhất”. Ngoại trưởng Cavusoglu cũng tuyên bố sẽ tiếp tục các bước đi chống lại Hà Lan cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được lời xin lỗi.
Trước đó, Đức và một số nước châu Âu khác cũng ngăn cản các sự kiện vận động cho cuộc trưng cầu dân ý của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ làm mọi việc có thể để ngăn căng thẳng chính trị ở Thổ tràn sang lãnh thổ nước bà. 4 cuộc tuần hành ở Áo và 1 cuộc ở Thụy Sĩ đã bị hủy.
THIÊN BÌNH