Việc Dự luật chăm sóc sức khỏe của chính quyền ông Trump phải rút khỏi quá trình bỏ phiếu phê chuẩn tại Quốc hội thứ sáu tuần trước (24-3) là thất bại mới nhất trong chuỗi “trái đắng” tân Tổng thống Mỹ Donald Trump “nếm” phải trong hơn hai tháng tại nhiệm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với các nhà báo tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Nhìn lại “chuỗi trận thất bại” đó, chắc không mấy ai quên thất bại đầu tiên liên quan tới sắc lệnh nhập cư mà ông Trump ký ban hành chỉ một tuần sau lễ nhậm chức. Sắc lệnh được ban bố không một lời cảnh báo trước đã gây hỗn loạn và cả những hoang mang không chỉ với các công dân và người tị nạn muốn đến Mỹ khi áp lệnh cấm nhập cảnh trong 120 ngày với công dân 7 nước Hồi giáo và cấm vô thời hạn với người tị nạn Syria.
Sau đó, một phiên tòa ở Washington quyết định ra phán quyết chặn sắc lệnh nhập cư của tổng thống với lý do nội dung của nó vi phạm điều khoản cấm kỳ thị tôn giáo của Hiến pháp Hoa Kỳ. Sau khi phán quyết chặn thực thi sắc lệnh nhập cảnh của ông Trump được bảo lưu ở phiên tòa phúc thẩm, chính quyền của tân tổng thống lại ban hành một sắc lệnh nhập cư sửa đổi với hy vọng nó thích ứng tốt hơn với luật pháp Mỹ. Nhưng sắc lệnh nhập cư sửa đổi, dù đã rút bớt Iraq khỏi danh sách các nước cấm nhập cảnh Mỹ và cấm 90 ngày với công dân 6 nước và 120 ngày với người tị nạn, vẫn vấp phải phản ứng của các tòa án ở hai bang Maryland và Hawaii khi cho rằng sắc lệnh kỳ thị người Hồi giáo. Sự việc đánh dấu lần thất bại thứ hai vẫn trên “mặt trận nhập cư” của tân Tổng thống Donald Trump.
Cho tới thời điểm hiện tại, sắc lệnh nhập cư sửa đổi của chính quyền Tổng thống Trump vẫn đang bị tạm dừng thực thi trong lúc chờ nghe tòa phân xử với lá đơn kháng cáo của chính quyền tổng thống tại một phiên tòa phúc thẩm liên bang ở thành phố Richmond, bang Virginia.
Một thất bại đáng kể nữa với tân Tổng thống Mỹ chính là những rắc rối, nếu không nói là bê bối, trong mối quan hệ giữa đội ngũ của ông, và có thể của chính bản thân ông Trump, với các nhân vật cấp cao của chính quyền Nga.
Kể từ khi các cơ quan tình báo Mỹ hồi năm ngoái có một động thái phi tiền lệ là công khai buộc tội Nga cố tình thao túng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những nghi ngờ đồn đoán của dư luận cũng dày lên theo thời gian về việc có hay không sự cấu kết giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Mátxcơva. Đã có ít nhất 4 cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ đang diễn ra liên quan tới cáo buộc Nga thao túng bầu cử Mỹ. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, chính sự can thiệp của chính phủ Nga, mà họ buộc tội Điện Kremlin đã đứng sau điều hành chiến dịch can thiệp tấn công hệ thống máy chủ thư điện tử của đảng Dân chủ, đã góp phần lớn vào nguyên nhân thất bại của bà Hillary Clinton.
Những ngờ vực tiếp tục bao trùm lên Nhà Trắng tháng trước khi Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump, Tướng Michael Flynn từ chức sau khi những thông tin được phanh phui cho biết ông đã nói dối Nhà Trắng về cuộc gặp gỡ với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cũng tuyên bố tự rút khỏi mọi cuộc điều tra liên quan đến Nga ngay sau khi có những thông tin bị lộ cho thấy bản thân ông Sessions cũng đã có gặp đại sứ Nga tại Mỹ Kislyak trước khi ông Trump nhậm chức. Điều này là thông tin trái ngược với những gì ông Sessions cho biết tại phiên điều trần thông qua vị trí ông được đề cử.
Trong phiên điều trần công khai tại Quốc hội tuần trước, Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI), ông James Comeyb đã có một động thái bất thường khi xác nhận thông tin, FBI đang tiến hành điều tra về cáo buộc các trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có cấu kết với phía Nga để thao túng cuộc bầu cử Mỹ. Trong tuần này và những tuần tới, các Ủy ban tình báo của cả Hạ viện và Thượng viện sẽ tiếp tục tổ chức thêm các phiên điều trần công khai khác liên quan tới vấn đề này.
Trở lại với thất bại mới nhất của ông Trump, ngày thứ sáu tuần qua (24-3), ông Trump buộc phải rút dự luật chăm sóc sức khỏe của ông, còn gọi tắt là “Trumpcare”, khỏi quá trình bỏ phiếu tại Quốc hội để tránh một thất bại ê chề khi không nhận đủ số phiếu tối thiểu của các thành viên đảng Cộng hòa. Ông Trump đã tiêu tốn khá nhiều “vốn liếng chính trị” của ông vào dự luật “Trumpcare” và ông cũng đã dùng mọi biện pháp để thúc ép, thậm chí ra tối hậu thư với các lãnh đạo đảng Cộng hòa, đảng chiếm đa số ghế tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ để có thể thông qua dự luật đó. Tuy nhiên nó vẫn không thể đi theo lộ trình mong muốn của ông. Rõ ràng lúc này Trumpcare đã “chết” và các nghị sĩ đảng Cộng hòa hối thúc việc trở lại giai đoạn phác thảo một dự luật chăm sóc sức khỏe khác phù hợp hơn.
Tuy nhiên, ông Trump cho biết ông sẽ mau chóng chuyển sang vấn đề cải cách thuế, một mục tiêu quan trọng khác mà đảng Cộng hòa cũng như bản thân ông Trump mong muốn sớm đạt được những cải cách đáng kể. Chưa thể biết những chính sách sắp tới đây liệu có suôn sẻ hơn với tân tổng thống Mỹ hay không.
Trần Đắc Luân