Cách đây 9 tháng, trong một cuộc trưng cầu dân ý, 51,9% người dân nước Anh bỏ phiếu bày tỏ nguyện vọng rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Sự kiện đó như một cơn địa chấn dữ dội xảy ra ngay giữa lòng châu Âu đương đại, làm cho cả thế giới bàng hoàng về một ngôi nhà chung EU bắt đầu có sự rạn nứt ngay từ bên trong bởi cuộc chia tay của một thành viên chủ chốt.
Để chính thức hóa cuộc “ly dị”, ngày 28-3 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã ký bức thư lịch sử gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, khởi động tiến trình nước này rời khỏi EU, nhằm chấm dứt tư cách thành viên khối này của Anh trong suốt 44 năm qua.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Anh đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Chủ tịch Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết tại các cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng “một châu Âu mạnh mẽ là lợi ích của tất cả các bên và nước Anh vẫn sẽ là một đồng minh tin cậy và gần gũi”. Các nhà lãnh đạo cũng đồng quan điểm về tầm quan trọng của việc bước vào đàm phán với tinh thần xây dựng, cũng như bảo đảm một tiến trình rút lui suôn sẻ diễn ra trong vòng hai năm.
Đó là quyết tâm chính trị, nhưng thực sự là bài toán vô cùng khó. Chuyên gia Paul Drechsker, lãnh đạo Liên đoàn kỹ nghệ Anh (CBI), nhận định rằng quãng thời gian trước mắt khi Anh chính thức ngồi vào bàn đàm phán sẽ là một con đường gập ghềnh chông gai. Thủ tướng May cũng từng tuyên bố chính phủ của bà sẵn sàng ra khỏi bàn đàm phán mà không có bất kỳ thỏa thuận nào nếu phía Brussles quá khắt khe.
Đó là câu chuyện Brexit của Anh với EU.
Còn một câu hỏi khác cũng có thể tạo ra cơn địa chấn thứ hai, đó là số phận của Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sẽ như thế nào khi Scotland cũng muốn tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập để được ở lại EU?
Nhận thức được mối đe dọa này, nên trước khi chuẩn bị kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình Anh ra khỏi EU, ngày 27-3, Thủ tướng May đến Scotland nhằm cố gắng chặn đứng lời kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý về độc lập của xứ này. Tuy nhiên, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã tỏ thái độ bất mãn sau cuộc gặp khi cho rằng bà May đã không lắng nghe những đòi hỏi của mình về Brexit. Hơn nữa bà May cũng không hề bảo đảm việc giao bớt quyền lực cho Scotland một khi London nắm lại quyền hành từ tay Bruxelles hậu Brexit. Bà Sturgeon vẫn một mực giữ lập trường khi tin rằng Scotland đã bị ép rời khỏi EU trong khi khu vực này vẫn muốn ở lại. Theo AFP, phần lớn người dân Scotland và Bắc Ireland đều bỏ phiếu chống lại Brexit, song số cử tri ở Anh và xứ Wales bỏ phiếu rời khỏi EU vẫn vượt trội hơn.
Bất chấp nỗ lực của bà May nhằm gửi thông điệp đoàn kết trong chuyến thăm Scotland vừa qua, Quốc hội Scotland ngày 28-3 (giờ Anh) đã bỏ phiếu ủng hộ lời kêu gọi của Thủ hiến Sturgeon về việc tách khỏi Anh với tỷ lệ 69 phiếu thuận và 59 phiếu chống. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ hiến Sturgeon đã nhận được sự ủy quyền từ Quốc hội để có thể đưa ra đề nghị chính thức với chính phủ Anh về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trong tương lai. Như vậy, bất đồng quan điểm giữa Scotland và Anh vẫn không thể tháo gỡ hoàn toàn trước khi Điều 50 chính thức được kích hoạt.
Một điều đáng chú ý, trước chuyến công du của Thủ tướng Theresa May đến Scotland, một cuộc khảo sát mới nhất được công ty tư vấn nghiên cứu thị trường thực hiện cho tờ Observer cho thấy, 47% người Scotland được hỏi sẽ nói “đồng ý” với cuộc trưng cầu lần 2 về nền độc lập, so với tỷ lệ 44% nói “không”.
Dù muốn dù không, Brexit trên thực tế là tiếng chuông kết liễu chuyến du hành châu Âu của nước Anh, và cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra cơn dư chấn mới về sự tan rã Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, khi Scotland tiến hành trưng cầu dân ý về độc lập vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
TUYẾT MINH