Dự luật Brexit không suôn sẻ khi vấp phải rào cản của Thượng viện. Theo đó, chính phủ Anh sẽ không thể kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon về Liên minh châu Âu (EU) trong 2 tuần tới.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 1-3, với 358 phiếu thuận và 256 phiếu chống, Thượng viện Anh nhất trí yêu cầu chính phủ phải chỉnh sửa dự luật Brexit. Các nghị sĩ muốn Thủ tướng Theresa May đưa vào dự luật Brexit điều khoản bảo đảm cho công dân EU được quyền sinh sống và làm việc tiếp ở Anh trong giai đoạn hậu Brexit.
Một người biểu tình phản đối Brexit cầm khẩu hiệu đứng bên ngoài tòa nhà quốc hội tại London (Anh). Ảnh: Reuters |
Theo đó, dự luật cần nêu rõ: Trong vòng 3 tháng kể từ khi kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, chính phủ phải đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm bảo đảm công dân EU đang cư trú tại Anh vẫn được hưởng các quyền lợi cư trú không thay đổi sau Brexit.
Quyết định của Thượng viện khiến bản dự luật của chính phủ Anh một lần nữa phải quay trở lại Hạ viện để tiếp tục bàn thảo, mặc dù đã được Hạ viện thông qua trước đó. Thực tế này sẽ khiến quá trình đưa dự luật Brexit chính thức trở thành luật kéo dài thêm một thời gian nữa. Trong khi đó, chỉ còn vài tuần nữa - cuối tháng 3 là hạn chót để bà May tuyên bố chính thức khởi động các cuộc đàm phán Brexit.
Trước cuộc bỏ phiếu nói trên, bà May cho biết, lịch trình của việc kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, khởi động quá trình 2 năm đàm phán rời EU sẽ không thay đổi. Bà tuyên bố với các nghị sĩ: “Chắn chắn kế hoạch của tôi là kích hoạt điều 50 vào cuối tháng 3”.
Một phát ngôn viên của Bộ Brexit cho biết, Bộ này rất “thất vọng” với kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện. Tuần trước, khi Hạ viện bỏ phiếu, các nghị sĩ tại cơ quan lập pháp này đã bác bỏ mọi sự thay đổi, chỉnh sửa với dự luật, trong đó có cả những điều khoản về quyền của công dân EU.
Trên Twitter, lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn hoan nghênh kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện và cho rằng đó là một “tin tốt lành”; trong khi một phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng May cho biết, chính phủ sẽ tìm cách đảo ngược quyết định này khi dự luật quay lại Hạ viện - nơi đảng Bảo thủ của bà May chiếm đa số ghế.
Mặc dù những trì hoãn liên quan việc thông qua dự luật chỉ kéo dài vài ngày, nhưng sự thất bại trước Thượng viện là tín hiệu cho thấy Thủ tướng May sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản khác trong nước khi chính thức bắt tay vào quá trình đàm phán 2 năm để đưa Anh rời EU.
Cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 năm ngoái diễn ra trong bối cảnh có những quan ngại gia tăng của người dân Anh về lượng di dân khổng lồ từ EU tràn vào nước này. Lúc đó, những người thuộc phe ủng hộ Brexit khẳng định, ngay khi các cuộc đàm phán rời EU được khởi động, họ sẽ giải quyết vấn đề nhập cư. Bà May cũng từng nói rằng, sẽ ưu tiên chấm dứt dòng di cư tự do của lực lượng lao động từ 27 quốc gia EU khác tới Anh; ngay cả việc để làm như vậy, bà phải chấp nhận những tổn thất về quan hệ thương mại với họ.
Tuy nhiên, với tình hình đang diễn ra tại Anh, số phận của những người nước ngoài đã ở Anh cũng còn chưa chắc chắn, chứ chưa nói đến những người muốn nhập cư vào Anh. Thủ tướng May từng tuyên bố, bà muốn những người đó ở lại Anh. Song, bà cũng nói rằng, cần bảo đảm quyền lợi cho khoảng 1,2 triệu người Anh khác đang sống tại các nước EU. Với một số chính khách có quan điểm đối lập với bà May, họ chỉ trích bà đã dùng 3 triệu công dân EU tại Anh để mặc cả trong quá trình thương thuyết rời khối.
Thực tế, trong suốt chiến dịch tranh cử trước khi trở thành Thủ tướng Anh, bà May đã nêu rõ lập trường này. Theo bà, sẽ chẳng khôn ngoan khi nước Anh chủ động nêu ra việc bảo đảm quyền lợi của khoảng 3 triệu công dân EU tại Anh trước khi các nước EU khác sẵn sàng làm điều tương tự như vậy với công dân Anh đang sống tại nước họ.
TRẦN ĐẮC LUÂN