Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị Quốc hội thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng gần 10%, tức một khoản tăng tới 54 tỷ USD, để tập trung vào “an toàn công cộng và an ninh quốc gia”.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố muốn gia tăng lịch sử về chi phí quốc phòng xây dựng lại quân đội Mỹ đang bị suy yếu. Ảnh: AP |
Nếu được Quốc hội thông qua, kế hoạch ngân sách “an toàn công cộng và an ninh quốc gia” của Mỹ, vốn cao nhất thế giới, nay sẽ gia tăng. Đây là một trong những bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết của Tổng thống Donald Trump về việc bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ, trong đó có cam kết chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ tăng mạnh. Ông Trump muốn nâng cấp phi đội máy bay quân sự, đóng tàu, tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các tuyến hàng hải then chốt hoặc các “điểm nóng” quốc tế như eo biển Hormuz, Biển Đông…
Song, dù ngân sách quốc phòng tăng 54 tỷ USD nhưng các chương trình phi quân sự như các viện trợ nước ngoài và chi tiêu quân sự khác sẽ bị cắt giảm tương ứng. “Sẽ có sự cắt giảm lớn viện trợ nước ngoài”, hãng AFP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói. Việc cắt giảm còn rơi vào khoản chi cho các hoạt động của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Bảo vệ môi trường. Theo đó, ngân sách của Bộ Ngoại giao có thể bị cắt giảm tới 30%, buộc cơ quan này phải tính đến các biện pháp tái cơ cấu và giảm chương trình hoạt động.
Hãng AFP cho biết, Tổng thống Trump tuyên bố ngân sách sẽ thực hiện những gì mà ông đã cam kết về việc “giữ nước Mỹ an toàn”. “Đó sẽ là sự gia tăng lịch sử về chi phí quốc phòng để xây dựng lại quân đội của Mỹ đang bị suy yếu vào lúc chúng tôi cần nhất”, ông chủ Nhà Trắng nói. Kế hoạch của ông Trump không đề cập việc cắt giảm chương trình xã hội liên bang như an sinh xã hội và y tế.
Song, hiện nhiều câu hỏi đặt ra về tác động của việc cắt giảm ngân sách đối với Bộ Ngoại giao và Cơ quan Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, viện trợ nước ngoài chỉ chiếm ít hơn 1% ngân sách liên bang Mỹ và việc thu hẹp khoản này sẽ không đủ để bù lại ngân sách quốc phòng “phình” ra.
Ông Jonathan Katz, quan chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nói với AFP rằng, đề xuất cắt giảm của ông Trump có thể gây nguy hại cho lợi ích và những ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế. Theo ông Katz, viện trợ nước ngoài quan trọng đối với mọi việc, từ phòng chống dịch cúm đến việc hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển. “Nếu không có nguồn lực để giải quyết dịch Ebola, làm sao giúp người Mỹ an toàn?”.
Trong khi đó, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho hay, cơ quan này sẽ làm việc với Nhà Trắng để xem xét lại những ưu tiên về ngân sách. “Bộ Ngoại giao vẫn giữ cam kết chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm thúc đẩy an ninh và sự thịnh vượng của người Mỹ”, ông Toner nhấn mạnh.
Theo CNN, hơn 120 đô đốc và tướng nghỉ hưu, trong đó có cựu Giám đốc Cơ quan Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus và đô đốc James Stavridis - chỉ huy cũ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thúc giục ông Trump không cắt giảm chi tiêu về ngoại giao và viện trợ phát triển.
Đề xuất của Tổng thống Trump cũng chưa hẳn được Quốc hội thông qua khi vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Mac Thornberry cho rằng, Nhà Trắng cần tăng hơn nữa ngân sách quốc phòng để khắc phục hậu quả của việc chính phủ tiền nhiệm đã cắt giảm khoản này tới 20%.
Chi tiêu quốc phòng trong những năm tài chính gần đây nhất của Mỹ ở mức 584 tỷ USD. Kế hoạch chi thêm 54 tỷ USD của Tổng thống Donald Trump tương đương với mức tăng 9,2% (chiếm khoảng 1/6 ngân sách liên bang). Ngày 28-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ hy vọng việc Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng sẽ có lợi trong việc duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu. |
PHÚC NGUYÊN