.

Nước Bỉ tưởng niệm 1 năm xảy ra khủng bố: Trái tim châu Âu vẫn đập

.

Ngày 22-3-2017 đánh dấu tròn 1 năm xảy ra các vụ tấn công đẫm máu do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện nhằm vào Brussels (Bỉ) làm 32 người chết và hơn 320 người khác bị thương. Giờ đây, quốc gia này tổ chức các hoạt động tưởng niệm để thấy rằng trái tim châu Âu vẫn đập.

Các hoạt động tưởng niệm diễn ra tại sân bay quốc tế Zaventem và nhà ga tàu điện ngầm Maalbeek.  Ảnh: AFP
Các hoạt động tưởng niệm diễn ra tại sân bay quốc tế Zaventem và nhà ga tàu điện ngầm Maalbeek. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, sáng 22-3, Nhà vua Bỉ Philippe, Hoàng hậu Mathilde cùng Thủ tướng Charles Michel, các bộ trưởng, hàng trăm người thân của các nạn nhân có mặt tại sân bay quốc tế Zaventem và nhà ga tàu điện ngầm Maalbeek để tưởng nhớ 32 nạn nhân thiệt mạng trong hai vụ đánh bom liều chết tại đây. Nhà vua Philippe nói rằng, nước Bỉ vẫn đoàn kết sau khi xảy ra các vụ tấn công liều chết; đồng thời gọi sự kiện đau buồn năm ngoái là “sự điên rồ chết người”, là “vụ tấn công nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Bỉ thời bình”. “Đây là trách nhiệm của mỗi người và mỗi chúng ta hãy làm xã hội nhân văn, công bằng hơn… Và trên tất cả, chúng ta hãy đấu tranh”, Nhà vua Philippe nói.

Trong khi đó, các xe điện, xe buýt trên khắp thủ đô Brussels và những người đi lại bằng phương tiện công cộng cũng ngừng hoạt động để tham gia một phút tưởng niệm.  

Ngày 22-3-2016, ba vụ đánh bom liên hoàn xảy ra tại sân bay quốc tế Zaventem và ga tàu điện ngầm Maalbeek ở thủ đô Brussels. Không những châu Âu mà cả thế giới chấn động. Brussels được xem là trái tim của châu Âu bởi hàng loạt cơ quan và tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại đây. Vụ việc được xem là lời tuyên chiến của chủ nghĩa khủng bố đối với châu Âu. Các nhà chức trách cho rằng, thủ phạm gây ra vụ việc này đã nhận sự chỉ đạo từ chỉ huy tối cao của IS; hơn nữa, đây cũng là những nhóm khủng bố đứng sau vụ tấn công Paris (Pháp) hồi tháng 11-2015 làm hơn 130 người chết. Nước Bỉ hiện vẫn được đặt trong tình trạng báo động với mức cảnh báo cao thứ hai, nghĩa là có mối đe dọa tấn công nghiêm trọng. Quân đội thường xuyên tuần tra trên đường phố, các nhà chức trách cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ tấn công tương tự. Bóng ma của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan thật sự vẫn ám ảnh nước Bỉ.

Hồi đầu năm nay, một báo cáo của Ủy ban điều tra thuộc Nghị viện Bỉ bị rò rỉ đề cập thất bại của các cơ quan chức năng nước này khi để xảy ra các vụ khủng bố trong ngày 22-3-2016. Báo cáo cho hay, cảnh sát Bỉ đã không thông báo với cơ quan chống khủng bố về giao dịch chuyển tiền đáng ngờ của các đối tượng đứng sau vụ khủng bố ở Paris và Brussels.

Sau 1 năm, nỗi đau phần nào nguôi ngoai nhưng những vết thương vẫn chưa lành. Tuy nhiên, theo AP, sân bay quốc tế Brussels nay vẫn sáng bóng, nhà ga Maelbeek vẫn luôn đông đúc. Ngành du lịch của Bỉ đang hồi sinh dù Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi thủ đô Brussels là “địa ngục” và cảnh báo người dân nước ông nên tránh xa bằng mọi giá.

Trả lời hãng AP, Giám đốc điều hành sân bay Brussels Arnaud Feist nói rằng, việc sát hại những người vô tội thật sự là thảm kịch đối với mọi người. “Nhưng chúng ta có thể thấy những dấu hiệu rất tích cực về sự đoàn kết, mọi người giúp đỡ lẫn nhau”, vị giám đốc này nói.

Đối với người dân Bỉ, họ vẫn thấy bất an. Theo kết quả một thăm dò dư luận được công bố trong ngày 22-3, 77% số người được hỏi đánh giá nguy cơ khủng bố trong nước ở mức cao, con số này trong năm 2015 là 69%. Trong đó, người dân Brussels cảm thấy lo lắng về mối đe dọa khủng bố hơn cả. 25% số người ở Brussels được hỏi đánh giá nguy cơ khủng bố là rất cao, trong khi tỷ lệ này ở Flanders chỉ 15%, ở Wallonia là 20%. Ngoài ra, 49% số người được hỏi hài lòng với các biện pháp chống khủng bố do chính phủ thực hiện, 41% cho rằng các biện pháp này chưa đủ để bảo đảm an ninh đất nước.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.