Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Đức “ứng xử gây tai tiếng” khi hủy các cuộc tuần hành của cộng đồng người Thổ tại Đức và không cho các bộ trưởng của Ankara phát biểu. Mối quan hệ giữa hai quốc gia này - vốn căng thẳng từ năm ngoái - nay càng “lao dốc”.
Cảnh sát tuần tra ở Gaggenau, phía tây nước Đức, nơi dự kiến diễn ra cuộc tuần hành của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Đức. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu với báo giới tại thủ đô Ankara rằng, Đức phải “học cách ứng xử” nếu muốn duy trì mối quan hệ. Sự việc xuất phát từ việc Đức hủy các cuộc tuần hành của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Gaggenau và Cologne của Đức nhằm ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag không được phát biểu tại Gaggenau và Bộ trưởng Kinh tế Nihat Zeybecki cũng không thể phát biểu tại Cologne như dự kiến.
“Họ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch nơi đây”, Ngoại trưởng Cavusoglu nói. Nhà ngoại giao này cho rằng, các lực lượng của bang Baden-Wurttemberg đang hành động để ngăn chặn việc các nhà lãnh đạo Ankara vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Phản ứng tức giận, Bộ trưởng Bekir Bozdag cáo buộc Đức “ứng xử gây tai tiếng” và Berlin là “thiên đường an toàn” cho những kẻ thù của Thổ. “Đức ngày nay trở thành nơi trú ẩn cho tất cả những tội phạm chống lại Thổ, như PKK (đảng Công nhân người Kurd), FETO (Tổ chức khủng bố Fethullah), các thành viên DHKP-C (Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng)”, ông Bozdag nói. Theo Reuters, những nhận định nói trên cho thấy quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cuộc tuần hành có sự tham gia của ông Bozdag tại Gaggenau là một phần nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giành được sự ủng hộ của 1,5 triệu người Thổ tại Đức đối với cuộc trưng cầu dân ý nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan, diễn ra vào tháng 4 tới. Ông Bozdag cũng hủy cuộc gặp với người đồng cấp Đức Heiko Maas và đáp chuyến bay về Thổ. Trong khi đó, tại thủ đô Ankara, Bộ Ngoại giao Thổ triệu Đại sứ Đức và yêu cầu lý giải về vụ việc này.
Mối quan hệ giữa Tổng thống Erdogan với Đức xuống dốc đáng kể, nhất là kể từ vụ đảo chính bất thành ở Thổ hồi tháng 7-2016. Ông Erdogan cáo buộc các nước Tây Âu không nhanh chóng lên án cuộc binh biến này hoặc lên án nhưng không đủ mạnh. Còn các nước Tây Âu bày tỏ quan ngại về hành động trấn áp của ông Erdogan đối với các nghi phạm trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính.
Mối quan hệ giữa Thổ và Đức còn gặp sóng gió khi Ankara quyết định bắt giam nhà báo Deniz Yucel mang hai quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, làm việc cho tờ Die Welt của Đức, vào ngày 27-2 vừa qua. Ankara cáo buộc Yucel tuyên truyền khủng bố và kích động hận thù. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Kiev của Ukraine, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, vụ bắt giữ này làm hủy hoại mối quan hệ song phương.
Sau khi xảy ra đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016, Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen đứng sau vụ việc và quy tổ chức FETO của ông này là một nhóm khủng bố. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng than phiền về việc Đức và các nước Tây Âu hỗ trợ các chiến binh cánh tả và chiến binh người Kurd.
Về phía Đức, nước này hoàn toàn không muốn căng thẳng trong quan hệ với Thổ bởi Berlin đang muốn thúc đẩy các cam kết của Ankara nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn từ Thổ sang châu Âu. Thị trưởng Gaggenau, ông Michael Pfeiffe, lý giải rằng quyết định hủy cuộc tuần hành tại địa phương này không dựa trên sự đối lập chính trị với ông Bozdag hay với chính phủ của Tổng thống Erdogan. Song, Đức chưa có những phản ứng ngay lập tức trước những cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ.
THIÊN BÌNH