Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, căng thẳng ngoại giao giữa nước này với Hà Lan không thể giải quyết bằng lời xin lỗi mà có thể phải bằng các biện pháp trừng phạt.
Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Hà Lan tại thủ đô Ankara. Ảnh: AFP |
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan xuống đến mức thấp nhất trong 40 năm qua xuất phát từ việc The Hague không cho phép máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Mevlut Cavusoglu hạ cánh; đồng thời trục xuất Bộ trưởng Gia đình và các chính sách xã hội của Thổ Fatma Betul Sayan Kaya khi bà đến thành phố Rotterdam để tham dự tuần hành kêu gọi ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý. Hai nước cũng có hàng loạt động thái “ăn miếng trả miếng” trong những ngày qua và Ankara đã ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với The Hague.
Ngày 14-3, phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Ankara, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng, lời xin lỗi của Hà Lan không đủ để giải quyết khủng hoảng ngoại giao, mà có thể phải dùng đến các biện pháp trừng phạt. Trước đó, ông Erdogan cam kết Hà Lan “sẽ trả giá đắt” về cách đối xử với bà Kaya. Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus cũng khẳng định sẽ áp dụng trừng phạt cho đến khi Hà Lan có các bước “khắc phục” hành động mà Ankara xem là “sự xúc phạm nghiêm trọng”.
Các nhà quan sát cũng cảnh báo các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ được Ankara đưa ra. “Chắc chắn đó là khủng hoảng ngoại giao lớn nhất giữa hai nước trong lịch sử gần đây”, Erdogan Aykac - nhà nghiên cứu về quan hệ ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Groningen (Hà Lan) nói. Theo GS Erik-Jan Zurcher tại Đại học Leiden (Hà Lan), chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ có áp dụng trừng phạt kinh tế hay không nhưng với động thái này, Ankara sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Hà Lan. GS Zurcher lý giải, Hà Lan có nền kinh tế tăng trưởng tốt, linh hoạt; trong khi kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2016.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “kiềm chế những tuyên bố và hành động thái quá có nguy cơ làm tình hình thêm nghiêm trọng”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, tuyên bố của EU là “thiển cận và vô giá trị” đối với quốc gia này. Bộ này còn nhấn mạnh việc EU ủng hộ Hà Lan là nghiêm trọng, vi phạm nhân quyền và các giá trị của châu Âu.
Trong cuộc đối đầu ngoại giao giữa Thổ và Hà Lan, Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng về phía The Hague, cam kết ủng hộ hoàn toàn và đoàn kết với Hà Lan. Vì vậy, Tổng thống Erdogan chỉ trích bà Merkel, cho rằng nữ Thủ tướng này đang “ủng hộ những kẻ khủng bố”.
Thực tế, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU thời gian qua không mấy tốt đẹp xung quanh hàng loạt vấn đề; trong đó thỏa thuận ngăn dòng người nhập cư vào châu Âu giữa hai bên có nguy cơ đổ vỡ. Căng thẳng lần này gây tổn hại cho quan hệ giữa Thổ với EU, trong khi Ankara nỗ lực tìm cách gia nhập khối này trong nửa thế kỷ qua nhưng không thành công.
Theo Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus, Ankara sẽ không cho phép Đại sứ Hà Lan Kees Cornelis van Rij trở về nước cho đến khi The Hague cho tổ chức các cuộc tuần hành ở quốc gia này để vận động cộng đồng người Thổ ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-4 tới.
Cuộc trưng cầu dân ý của Thổ xung quanh việc sửa đổi hiến pháp, gia tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan vốn không được các nước châu Âu ủng hộ. Ngày 14-3, giới chức Ankara bác bỏ một báo cáo của Ủy ban Venice - một nhóm chuyên gia pháp lý thuộc Hội đồng châu Âu cho rằng đề xuất sửa đổi hiến pháp là bước thụt lùi của nền dân chủ. Trên Twitter, Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag viết rằng, Ủy ban Venice đã từ bỏ tính khách quan và chuyên môn của mình, không còn sự công bằng và bị chính trị hóa…
PHÚC NGUYÊN