.

Triều Tiên phóng tên lửa, Đông Á lại "nóng" 

.

CHDCND Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo, trong đó 3 quả rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Tokyo tuyên bố không thể dung thứ cho hành động này.

Tên lửa Taepodong của CHDCND Triều Tiên có tầm bắn 2.500km nhưng Bình Nhưỡng muốn phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn đến Mỹ.	                    Ảnh: AFP
Tên lửa Taepodong của CHDCND Triều Tiên có tầm bắn 2.500km nhưng Bình Nhưỡng muốn phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn đến Mỹ. Ảnh: AFP

Hãng AFP dẫn thông tin của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, 4 tên lửa được phóng từ tỉnh Tongchang-ri, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng ngày 6-3 và các tên lửa bay khoảng 1.000km, trong đó 3 quả rơi vào vùng EEZ của Nhật Bản. Phía Hàn Quốc cho rằng, đây có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có khả năng vươn đến Mỹ. Song, các quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng đã thử ICBM. Trong khi đó, theo AFP, hành động của CHDCND Triều Tiên thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung từ tuần trước khiến CHDCND Triều Tiên tức giận. Thông thường cứ trước hoặc trong khoảng thời gian Washington và Seoul tiến hành tập trận, Bình Nhưỡng phản ứng bằng việc phóng tên lửa. Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng có tham vọng phát triển ICBM có thể vươn đến Mỹ nhưng Tổng thống Trump cam kết sẽ không để xảy ra việc này. Ông Trump cũng từng mô tả CHDCND Triều Tiên là “vấn đề lớn” và tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này “một cách mạnh mẽ”.

Vụ phóng tên lửa nói trên diễn ra chưa đầy một tháng sau khi CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa hồi giữa tháng 2 vừa qua, đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Mỹ và có cuộc hội đàm chính thức đầu tiên với tân Tổng thống Donald Trump. Lần này, phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, ông Abe cho rằng, CHDCND Triều Tiên đã bước vào “một giai đoạn đe dọa mới”. Theo nhà lãnh đạo này, hành động của Bình Nhưỡng “vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ)”. “Chúng tôi không bao giờ dung thứ”, ông Abe nói. Theo đó, ông Abe khẳng định Nhật bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các nước liên quan thúc giục CHDCND Triều Tiên kiềm chế hành động.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho hay, Tokyo đang vận động hành lang để HĐBA LHQ có “thông điệp mạnh mẽ”; đồng thời sẽ kêu gọi Trung Quốc cùng những nước liên quan thực thi đầy đủ các nghị quyết trước đó của HĐBA cấm CHDCND Triều Tiên thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Về phía Hàn Quốc - nước láng giềng phía nam của CHDCND Triều Tiên, sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-Ahn cho rằng, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa và thử hạt nhân là “mối đe dọa trước mắt và thật sự” đối với nước ông. Nhà lãnh đạo này ra lệnh quân đội duy trì tình trạng cảnh giác ở mức cao nhất để đối phó với các hành động của CHDCND Triều Tiên.​ Seoul cũng nhận định, đây có thể là động thái trả đũa cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ. Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin và người đồng cấp Mỹ M.R.McMaster ngay lập tức điện đàm về vụ phóng tên lửa này.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích vụ phóng nói trên, khẳng định Mỹ sẵn sàng “áp dụng mọi khả năng nhằm loại bỏ mối đe dọa đang gia tăng này”. “Chúng tôi vẫn sẵn sàng và sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường sự sẵn sàng để phòng vệ cũng như bảo vệ các đồng minh khỏi bị tấn công”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh.

Cũng theo AFP, vụ phóng tên lửa diễn ra trước chuyến công cán của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Giáo sư Kim Yong-Hyun (Đại học Dongguk, Hàn Quốc) nói rằng, CHDCND Triều Tiên đang tìm cách gửi thông điệp sớm đến Tổng thống Trump rằng, Bình Nhưỡng sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính phủ của ông.

Nhà phân tích Kim Dong-Yup tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) nhận định: Không như những vụ phóng trước đó, 3 tên lửa rơi xuống vùng EEZ của Nhật Bản lần này theo 3 hướng khác nhau. “CHDCND Triều Tiên có thể muốn thể hiện rằng, nước này có thể tấn công đồng thời các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản”, ông Kim Dong-Yup nói.

Phản ứng về việc CHDCND Triều Tiên phóng 4 tên lửa ngày 6-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ trích động thái của Bình Nhưỡng nhưng kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời cho rằng Mỹ và Hàn Quốc cũng phần nào chịu trách nhiệm về vụ việc, hàm ý nhắc đến vụ phóng tên lửa và cả các cuộc tập trận Washington - Seoul. Mỹ và các nước khác luôn muốn Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để kiềm chế đồng minh CHDCND Triều Tiên.

Nga cũng bày tỏ quan ngại về việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.