.

Xung quanh các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Nhật Bản gia tăng phòng vệ

.

Lo ngại những tiến bộ quân sự của CHDCND Triều Tiên, các nghị sĩ Nhật Bản đang thúc giục chính phủ gia tăng khả năng phòng vệ và tấn công nhằm vào các cơ sở tên lửa của nước láng giềng này.

Tên lửa đánh chặn PAC-3 của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Sau các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên, vấn đề đặt ra cho Nhật Bản là nâng cao khả năng phòng vệ và tấn công. 				Ảnh: Reuters
Tên lửa đánh chặn PAC-3 của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Sau các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên, vấn đề đặt ra cho Nhật Bản là nâng cao khả năng phòng vệ và tấn công. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, đến nay, Nhật Bản vẫn tránh những động thái gây tranh cãi và tốn kém trong việc mua máy bay ném bom hoặc vũ khí như tên lửa hành trình đủ để tấn công các nước khác. Thay vào đó, trong chiến lược an ninh, Nhật Bản chủ yếu dựa vào đồng minh Mỹ.

Tuy nhiên, cũng theo Reuters, với việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa, mới đây là vụ phóng 4 tên lửa (trong đó có 3 tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản), Tokyo không thể không lo ngại. “Nếu máy bay ném bom hoặc tàu chiến tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả”, ông Itsunori Onodera, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, hiện đứng đầu một Ủy ban của đảng Dân chủ Tự do (LDP) nhìn nhận về cách Nhật Bản có thể phòng vệ trước mối đe dọa tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

Trong nhiều thập niên, hiến pháp hòa bình ràng buộc Nhật Bản nhiều quy định thời hậu chiến. Chính phủ Nhật Bản cho rằng, nước này có quyền tấn công các căn cứ của kẻ thù ở nước ngoài khi bị nguy cơ một cuộc tấn công đe dọa và mối đe dọa này sắp xảy ra, đồng thời trong trường hợp Tokyo không có sự lựa chọn nào khác.

CHDCND Triều Tiên khẳng định vũ khí của nước này chỉ mang tính phòng vệ, chống lại các mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc. Song, các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đặt ra vấn đề cho Nhật Bản: Tokyo cần có chính sách phòng vệ cứng rắn hơn. Tuy nhiên, bất kỳ vũ khí nào của Nhật Bản có tầm bắn vươn đến CHDCND Triều Tiên cũng sẽ làm Trung Quốc không vừa ý. Ông Itsunori Onodera cho rằng, Trung Quốc có các tên lửa có thể vươn đến Nhật Bản nên bất kỳ phản ứng nào với Tokyo cũng có thể không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh hiện phản đối mạnh mẽ việc Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc.

Nhật Bản đang thúc đẩy phòng vệ tên lửa đạn đạo với tầm bắn xa hơn. Từ tháng 4 tới, Nhật Bản sẽ bắt đầu nâng cấp các bệ phóng tên lửa đánh chặn PAC-3 với kinh phí 1 tỷ USD. Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự Nhật Bản cho rằng, phải mất nhiều năm để thực hiện những thay đổi này và sẽ không ứng phó được với các mối đe dọa từ những vụ thử tên lửa cũng như hạt nhân của Bình Nhưỡng trong thời điểm hiện tại.

Khi nắm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã cho soạn thảo lại hiến pháp hòa bình nhằm gia tăng vai trò của quân đội Nhật Bản trong các vấn đề của thế giới, nâng cao khả năng của nước này trước những mối nguy hại từ khủng bố… Ông Abe từng cam kết sẽ kiên quyết bảo vệ tận cùng lãnh thổ của Nhật Bản, gồm đất liền, biển và không phận. Theo đó, luật an ninh mới gây tranh cãi tại Nhật Bản đã chính thức có hiệu lực từ tháng 3-2016. Cụ thể, lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ được can dự vào các cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài cũng như thực thi quyền phòng vệ tập thể nếu như “sự tồn tại của Nhật Bản bị đe dọa và xuất hiện nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do, mưu cầu hạnh phúc của người dân”.

Xung quanh việc Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, ngày 8-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố vấn đề lớn nhất trong quan hệ Hàn - Trung hiện nay là việc Seoul để Washington triển khai THAAD. Ông Vương Nghị cho rằng, phạm vi theo dõi của THAAD sẽ vượt qua lãnh thổ bán đảo Triều Tiên và xâm hại nghiêm trọng lợi ích an ninh của Trung Quốc. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc thúc giục tái khởi động đàm phán 6 bên và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại…

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.