Chiến thắng ngày 30-4-1975 của Việt Nam đã làm chấn động địa cầu bởi đối thủ của Việt Nam lúc đó là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. Thời điểm đó và những năm sau này, nói về chiến thắng 30-4-1975, các báo nước ngoài đã dành nhiều bình luận, trong đó nhấn mạnh: “Việt Nam kiên cường, anh dũng”…
Tấm ảnh trên báo The Telegraph (Anh) ngày 30-4-2010 với chú thích: 30-4-1975: Một xe tăng của quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào cổng Dinh Độc lập (Sài Gòn)… Ảnh: The Telegraph |
“Sự kiện nổi bật nhất năm 1975”
Hãng thông tấn AFP ngày 1-5-1975 viết: “Sự kiện 30-4 tại Việt Nam chính là sự kiện nổi bật nhất năm 1975. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có tác động lớn đối với khu vực và toàn thế giới trong tương lai gần”. AFP cho rằng, chiến thắng năm 1975 của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy nhân loại sẽ phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh. Cùng ngày, tờ báo Asashi Shimbun của Nhật Bản đăng bài xã luận của Tổng biên tập viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc và phần thắng thuộc về lực lượng giải phóng. Điều này có nghĩa là thời kỳ các nước mạnh dùng vũ lực để giết chết tinh thần dân tộc đã chấm dứt”.
Hiển nhiên, báo chí Mỹ đã quan tâm đặc biệt sự kiện này. Báo Chicago Tribune (Mỹ) số ra ngày 30-4-1975 đưa chiến thắng này lên trang nhất với tiêu đề “Saigon surrenders”. Tờ báo này viết: Vào ngày thứ 4, chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng quân giải phóng, kết thúc 30 năm chiến tranh. Nhà báo Ronald Yates và Philip Caputo mô tả: “Những chiếc xe tăng và xe jeep tiến vào Dinh Tổng thống được đám đông hò reo chào đón. Người dân ùa ra đường, vẫy chào những đoàn quân mặc quân phục xanh. Bộ đội Việt Nam cười tươi vẫy tay chào lại. Trước đó, đoàn xe tăng đã bắn pháo chỉ thiên để bày tỏ niềm vui chiến thắng”.
Tờ New York Times ra ngày 1-5-1975 đăng loạt bài và ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chiến thắng của Quân giải phóng Việt Nam. Tối hôm đó, hầu hết các chương trình trên 3 kênh truyền hình chính của Mỹ phát sóng những hình ảnh cảnh người Mỹ di tản khỏi Sài Gòn, những giờ khắc cuối cùng của chế độ cũ…
Từ đó đến nay đã 42 năm, số lượng bài báo, ảnh, phim tài liệu… về chiến thắng lịch sử năm nào gần như không thể đếm hết. Nhiều bài báo bình luận, trong đó nhấn mạnh: “Việt Nam kiên cường, anh dũng…”. Trong cuốn sách Lịch sử là một vũ khí - Lịch sử nhân dân Mỹ xuất bản vào năm 1980, sử gia kiêm nhà khoa học chính trị Mỹ Howard Zinn đã dành một chương trọn vẹn chỉ để nói về sự kiện này. Mở đầu chương sách, tác giả viết: “Từ năm 1964-1972, quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới đã dồn tối đa các nỗ lực quân sự - với tất cả mọi thứ chỉ trừ mỗi bom nguyên tử - để đến chống lại phong trào cách mạnh dân tộc ở một đất nước nông nghiệp bé nhỏ, để rồi thất bại.”
Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai
Năm 1975, Việt Nam bước ra khỏi cuộc chiến dai dẳng với tâm thế của người chiến thắng, nhưng trước mắt là bộn bề tàn dư. Đường sá, cầu cống, kênh đào bị bom phá hủy trầm trọng. Đồng ruộng đầy rẫy mìn. 5 triệu hecta rừng bị thiêu trụi bởi chất độc màu da cam. 2/3 số làng mạc ở miền nam bị phá hủy… Không còn cách nào khác, người Việt Nam buộc phải tự vực dậy cứu lấy chính mình.
Trong một bài báo kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng (30-4-1975 – 30-4-2015) đăng trên tờ The Guardian (Anh), nhà báo Nick Davies ghi lại những tâm sự của Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, Tư lệnh Quân đoàn 1, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 - người đã góp phần quan trọng trong đòn giáng cuối cùng xuống cỗ máy chiến tranh của Mỹ: “Mục đích của tất cả những chiến đấu là xây dựng một xã hội chủ nghĩa, là có tự do, độc lập và hạnh phúc. Ngay từ những ngày đầu tiên chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng tôi đã tâm niệm về một xã hội mà chúng tôi muốn tạo ra: một xã hội công bằng, độc lập và bình đẳng”
Tờ The Guardian viết lại: “Suốt những năm 1990, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế, Việt Nam đã thành công trong việc giảm nghèo. Trước năm 1975, 70% dân số Việt Nam sống dưới mức nghèo đói. Đến năm 1992, con số này là 58%, và rồi giảm xuống còn 32% đến năm 2000. Cùng lúc đó, chính phủ Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới trường tiểu học ở mọi tỉnh, thành phố, và trường THCS ở đa số các tỉnh. Việt Nam cũng đã xây dựng được một hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí cơ bản”.
Năm 2016, sự kiện Tổng thống Mỹ đương thời Barack Obama thăm Việt Nam đã nhận được sự chú ý đặc biệt của truyền thông quốc tế. Báo Los Angeles Times viết: “Khi ông Obama đến Việt Nam, ông đã gặp một xã hội đầy sức trẻ và không còn thành kiến. Các nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức đỉnh cao nhất kể từ khi chiến tranh kết thúc”.
Đầu năm 2017, nhà báo Jessica Meyers (Mỹ) đến TP. Hồ Chí Minh. Trên tờ Los Angeles Times, bà ghi lại những trải nghiệm, nhìn nhận của mình trong chuyến đi này: Cuộc đời của những thế hệ đi trước bị định nghĩa bởi chiến tranh. Bây giờ, thế hệ trẻ Việt Nam đang tạo ra một hình ảnh quốc gia mới, và tin tưởng rằng đất nước mình sẽ có những cơ hội mà thế hệ trước chưa từng biết tới.
KHANG NINH