.

Bầu cử tổng thống Pháp: Cuộc đua khó đoán định

.

Ngày 23-4, nước Pháp bước vào vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022. Đây là cuộc đua khó đoán định người chiến thắng và được xem là cuộc bỏ phiếu cho tương lai của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Emmanuel Macron muốn trở thành tổng thống trẻ nhất nước Pháp.	                  Ảnh: AFP
Ông Emmanuel Macron muốn trở thành tổng thống trẻ nhất nước Pháp. Ảnh: AFP

Khoảng 45,7 triệu cử tri Pháp đủ điều kiện tham gia bầu tổng thống trong lúc an ninh được thắt chặt. Các điểm bầu cử đóng cửa lúc 19 giờ ngày 23-4 (tức 0 giờ ngày 24-4, giờ Việt Nam).

Các nhà quan sát cho rằng, 4 ứng viên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất trong số 11 ứng viên: dẫn đầu là ứng viên độc lập Emmanuel Macron; tiếp đó là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen; cựu Thủ tướng Francois Fillon và lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon. 4 ứng cử viên này bám đuổi nhau sít sao trong các cuộc thăm dò dư luận nên rất khó đoán kết quả bầu cử.   

Hãng AFP dự đoán ở vòng 2, diễn ra vào ngày 7-5 tới, sẽ là cuộc đua song mã giữa bà Le Pen và ông Macron. Nữ chính trị gia 48 tuổi Le Pen hy vọng, với việc tập trung vào nỗi sợ hãi của người dân Pháp về bất ổn an ninh, bà sẽ có được sự ủng hộ của cử tri, nhất là sau vụ nổ súng làm 1 cảnh sát thiệt mạng tại đại lộ Champs Elysees, trung tâm thủ đô Paris đêm 20-4, vụ việc mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm. Nhằm làm dấy lên làn sóng dân túy, vốn từng đưa ông Donald Trump vào Nhà Trắng và dẫn đến cuộc bỏ phiếu Brexit, bà Le Pen muốn Pháp ngừng sử dụng đồng euro. Bà cũng dự kiến kêu gọi trưng cầu dân ý về việc rời EU. Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, nếu bà Le Pen giành chiến thắng thì sẽ là “đòn chí mạng” đối với EU trong lúc liên minh đang suy yếu do sự kiện Brexit. Khi kịch bản Frexit diễn ra (tương tự Brexit), khó tránh khỏi nguy cơ EU tan rã.

Trong khi đó, ông Macron - ứng viên của phong trào “En Marche” (Tiến bước) - muốn trở thành tổng thống trẻ nhất nước Pháp. Vị cựu Bộ trưởng Kinh tế chủ trương thân EU và một nền kinh doanh thân thiện. Dường như đứng xa các đảng phái và phe nhóm, ông Macron nói rằng, “không rẽ trái, cũng không rẽ phải”.

Đối với ông Mélenchon, một người có tài ăn nói, nắm vững kỹ thuật truyền thông, mặc dù chỉ có tỷ lệ ủng hộ 19% trong các cuộc thăm dò nhưng vẫn có thể “lội ngược dòng”. Ông Mélenchon cũng muốn đưa Pháp rời EU.

Còn cựu Thủ tướng Fillon, người luôn đứng đầu khi cuộc đua mới khởi động, hiện chỉ có tỷ lệ ủng hộ 19%. Ông có cùng quan điểm với ứng cử viên Macron: mong muốn một châu Âu thống nhất và cải cách luật lao động của Pháp.

Theo AFP, bất kỳ ai trong số 4 ứng cử viên nói trên đều có thể vào vòng 2, chứ không riêng bà Le Pen hay ông Macron. Các thăm dò ngay trước thềm bỏ phiếu cho thấy ¼ số cử tri chưa quyết định lựa chọn ai.

Bà Le Pen đi bỏ phiếu ở thị trấn Henin-Beaumont, miền bắc nước Pháp. Ông Macron cùng vợ, bà Brigitte Macron, bỏ phiếu tại thị trấn ven biển Le Touquet. Ông Mélenchon (65 tuổi) và ông Fillon (63 tuổi) đều bỏ phiếu tại Paris.

Nếu bà Le Pen và ông Mélenchon cùng nắm tay nhau vào vòng 2, đó sẽ là chiến thắng của chủ nghĩa dân túy. Mặc dù với tỷ lệ thất nghiệp 10%, người Pháp vẫn quan ngại về việc làm và kinh tế hơn vấn đề khủng bố nhưng theo các nhà quan sát, vụ nổ súng tại đại lộ Champs Elysees có thể làm thay đổi kết quả thăm dò dư luận, cử tri đương nhiên ủng hộ ứng cử viên nào có quan điểm cứng rắn về an ninh, như bà Le Pen. Vì vậy, cả châu Âu hồi hộp đang dõi theo cuộc bầu cử ở Pháp.

Sau vụ tấn công nói trên, 50.000 cảnh sát và 7.000 binh sĩ được triển khai trên khắp nước Pháp để bảo vệ cử tri. Quốc gia châu Âu này hiện được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ sau khi xảy ra các vụ tấn công ở Paris hồi tháng 11-2015.

Tháng 12-2016, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ 2 và ông cũng là tổng thống đầu tiên trong lịch sử hiện đại của quốc gia này dừng lại ở 1 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 5 năm của ông Hollande được đánh dấu bằng một nền kinh tế ì ạch và mối đe dọa khủng bố liên tục.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.