Những hồ chứa nước cạn kiệt. Những dòng sông trơ đáy. Những thành phố khát. Tầng nước ngầm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng cần được cứu vãn trước khi quá muộn.
Người dân Ấn Độ chờ lấy nước ở Thủ đô New Delhi. |
Chúng ta đang sống trên hành tinh khô khốc. Nông dân đành phải bỏ ruộng bởi không có nước tưới tiêu. Các nhà hoạch định chính sách thực sự băn khoăn bởi tìm đâu ra nước, nhất là ở những nước châu Á.
Theo nghiên cứu khoa học mới nhất của Trường đại học California (Mỹ), thì lượng nước nằm sâu dưới lớp đất, đá hay cát sỏi nhiều gấp 100 lần so với nước bề mặt hành tinh: suối, sông, hồ và vùng ngập nước. Dự kiến khoảng cách giữa cung và cầu của nước vào năm 2030 sẽ nới lên khoảng 40%. Nước bề mặt cạn kiệt, chắc chắn tầng nước ngầm sẽ bị khai thác nhiều hơn cho nông nghiệp, điện năng và sinh hoạt hằng ngày ở các thành phố. Khoảng 30% nhu cầu nước ngọt thế giới từ tầng nước ngầm, nhưng 1/3 trong tổng số 37 tầng nước ngầm lớn nhất thế giới từ 2003 tới 2013 đã bị suy giảm nghiêm trọng, nhận được quá ít nước mưa để bổ sung.
Châu Á được cho là căng thẳng về nước ngọt nặng nhất thế giới. Nam Á sử dụng tới một nửa lượng nước ngầm toàn cầu. Tỉnh Punjab ở Pakistan sử dụng nước ngầm nhiều tới mức khiến tầng nước này sụt nửa mét mỗi năm. Các giếng khoan ngày càng sâu hơn. Dự báo phía bắc thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2030. Trong khi đó, nhiều vùng ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc lún vài cm mỗi năm. Những tầng nước ngầm sát bờ biển có nguy cơ nhiễm mặn làm cho đất trở nên khô cằn.
Thế giới cần thêm 60% lương thực vào năm 2050 khi dân số ở mức 9,7 tỷ người. Riêng châu Á dự kiến cán mốc 5 tỷ người vào cùng thời điểm sẽ đẩy áp lực về lương thực, năng lượng và nước sinh hoạt ngày một nhiều hơn so với các châu lục khác. Biến đổi khí hậu càng khiến cho mức độ khai thác tầng nước ngầm “tích cực” hơn. Điều đó khiến thế giới chung tay cứu lấy tầng nước ngầm.
Công việc không hề dễ dàng chút nào là cần phải tính toán lượng nước ngầm hiện tại, phân bổ khu vực và cách thức sử dụng. Tiếp theo là nâng giá nước ngầm như cách Trung Quốc đang thực hiện chương trình thí điểm: Nông dân phải trả thêm tiền nếu bơm nước ngầm nhiều hơn mức phân bổ.
Bang Gujarat ở Ấn Độ có biện pháp khắc khe hơn là chỉ cung cấp lượng điện hạn chế, nên nông dân không thể dùng điện để bơm nước thường xuyên. Bang Uttar Pradesh cũng của Ấn Độ thực hiện chương trình thí điểm thu nước mưa, lũ vào các ao hồ, bể chứa.
Cuối cùng là cần giảm mạnh hơn con số 80% nước thải sinh hoạt không được xử lý đổ thẳng ra các dòng sông. Tầng nước ngầm là hồ chứa cuối cùng mà nếu chúng ta không bảo vệ chúng ngay từ bây giờ thì các thế hệ mai sau sẽ phải trả cái giá quá đắt…
ANH THƯ (Theo Guardian)