.

EU và Liên Hợp Quốc tìm kế hoạch tương lai cho Syria

.

Hội nghị ủng hộ tương lai Syria diễn ra trong hai ngày 4-4 và 5-4 tại Brussels (Bỉ), do Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc (LHQ) chủ trì, được cho là nhằm tìm kế hoạch tương lai và viện trợ cho quốc gia Trung Đông này.

Theo Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Federica Mogherini, hội nghị tại Brussels là bước tiếp nối của Hội nghị London (Anh) về cam kết ủng hộ Syria và khu vực diễn ra hồi tháng 2 năm ngoái. Lúc đó, cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ khoảng 11 tỷ USD cho người dân Syria đến năm 2020 để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới, trong đó EU là nhà tài trợ lớn nhất. Từ năm 2011, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) đã hỗ trợ cho khoảng 2,4 triệu người Syria ở vùng nông thôn và ngoại ô các thành phố, trong đó có Aleppo, Homs và Damascus.

Theo AFP, trong khuôn khổ chương trình nghị sự tại Brussels lần này sẽ xem xét tiến độ thực hiện cam kết và xác định các biện pháp viện trợ bổ sung cho Syria cùng các nước trong khu vực cũng như các cộng đồng tiếp đón người di cư. Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận tập trung tìm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột tại Syria trong khuôn khổ chuyển giao quyền lực do người Syria thực hiện dưới sự bảo trợ của LHQ, đồng thời xác định triển vọng cung cấp viện trợ sau khi thỏa thuận về chuyển giao quyền lực chính thức được triển khai.

Bà Mogherini cho biết, các nước EU sẵn sàng tài trợ một phần cho công cuộc tái thiết ước tính khoảng 200-300 tỷ euro tại Syria với kỳ vọng quá trình chuyển giao chính trị sẽ diễn ra. Song, chính phủ Mỹ tuần trước lại khẳng định, việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad không còn là mục tiêu của Washington ở Syria, thay vào đó sẽ tập trung mở rộng cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

* Cũng trong ngày 4-4, các máy bay chiến đấu tấn công vào thị trấn Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib, tây bắc Syria, do quân nổi dậy kiểm soát, làm ít nhất 58 người chết, trong đó có trẻ em, và 160 người khác bị thương. Nhiều người tử vong do bị ngạt khói. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) dẫn các nguồn tin y tế nhận định đây là vụ tấn công khí độc nhưng vẫn chưa xác định hóa chất được sử dụng.

THƯ LÊ

;
.
.
.
.
.