.

Làn gió mới cho nước Pháp

.

Dẫn đầu vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron được dự đoán sẽ trở thành chủ nhân trẻ nhất của Điện Elysée. Ở vòng 2, ông đối đầu với bà Marine Le Pen.

Ông Emmanuel Macron là gương mặt mới trên chính trường Pháp.		              Ảnh: AFP
Ông Emmanuel Macron là gương mặt mới trên chính trường Pháp. Ảnh: AFP

Chiến dịch tranh cử cuối cùng của ứng cử viên độc lập theo tư tưởng trung dung Emmanuel Macron và Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen được bắt đầu vào ngày 24-4, ngay sau khi có kết quả bầu cử vòng 1. Theo đó, ông Macron giành được 23,75% phiếu ủng hộ, bà Le Pen có 21,53% phiếu. Về thứ ba là cựu Thủ tướng Francois Fillon​ với 19,96% phiếu, còn nhà lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Mélenchon đạt 19,49% số phiếu. Như vậy, ông Macron (39 tuổi) và bà Le Pen (48 tuổi) cùng dắt tay nhau vào vòng 2, sẽ diễn ra vào ngày 7-5 tới.

Hãng AFP cho rằng, kết quả nói trên phản ánh mong muốn thay đổi của cử tri trong một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc; đồng thời là đòn giáng mạnh vào tầng lớp chính trị truyền thống. Bởi lẽ, lần đầu tiên kể từ năm 1981, đảng Cộng hòa và đảng Xã hội - hai đảng lớn của Pháp - mất quyền lãnh đạo đất nước khi hai ứng viên đều dừng chân ở vòng 1. Nhật báo Le Figaro chỉ trích thất bại của đảng Cộng hòa bảo thủ, với đại diện là ứng cử viên Fillon, rằng “chuyện không tưởng đã xảy ra”.

Phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ ở thủ đô Paris, ông Macron cho biết, ông muốn huy động sự ủng hộ “lớn nhất có thể” cho “cuộc đua song mã” ngày 7-5. “Thách thức đặt ra là phá bỏ hoàn toàn hệ thống đã không thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề của đất nước trong hơn 30 năm”, ông Macron nói.

Với một người trẻ và ít kinh nghiệm chính trường như ông Macron, chiến thắng này tuy đúng với dự đoán nhưng vẫn là kỳ tích. Từng làm Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande, ông Macron mô tả mình là người đứng xa các đảng phái và phe nhóm. Phong trào “En Marche” (Tiến bước) của ông được xem là một cuộc cách mạng. Giới chính trị gia Pháp từng xem thường phong trào này nhưng “En Marche” ngày càng thu hút sự chú ý của người dân với xu hướng cải thiện xã hội. Các nhà quan sát cũng cho hay, Macron từ chức Bộ trưởng Kinh tế hồi năm ngoái bởi nhận thấy hệ thống chính trị, hành pháp của nước Pháp cứng nhắc và mong muốn tạo ra sự thay đổi.

Macron được sinh ra trong một gia đình trung lưu ở thành phố Amiens, phía bắc nước Pháp. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Thanh tra tài chính (IGF) tại Đại học Sciences Po ở Paris, từng làm nhân viên ngân hàng tại Rothschild & Cie Banque… Hiện ông Macron có được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Fillon và ứng viên đảng Xã hội Benoit Hamon. Sau khi thất bại ở vòng 1, hai ông này kêu gọi cử tri dồn phiếu cho vị ứng viên theo tư tưởng trung dung.

Trong khi đó, bà Le Pen, vốn xây dựng hình ảnh ứng cử viên “của nhân dân”, gọi kết quả bỏ phiếu là “sự kiện mang tính lịch sử”. Báo New York Times cho rằng, với chiến thắng ở vòng 1, bà Le Pen đưa đảng FN, lần đầu tiên trong hơn 40 năm tồn tại, từ ngoài rìa vào trung tâm chính trường Pháp. Chuyên gia Nonna Mayer tại Đại học Sciences Po nhận định, nếu bà Le Pen chiến thắng ở vòng 2 sẽ gây lo ngại cho nước Pháp và châu Âu, bởi bà theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, có tư tưởng bài ngoại, chống nhập cư… Chiến thắng của bà ở vòng 1 đánh dấu sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy - hiện tượng đã đưa ông Donald Trump vào Nhà Trắng và cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh.

Cả châu Âu đang lo lắng, hồi hộp dõi theo cuộc bầu cử Pháp và bày tỏ ủng hộ ông Macron. Hãng AP dẫn lời Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cho rằng, bà Le Pen sẽ không chiến thắng ở vòng 2; đồng thời kêu gọi người Pháp bảo vệ Liên minh châu Âu (EU). Theo ông, mục tiêu của bà Le Pen đưa Pháp rời EU là sự lựa chọn kém. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định: Cuộc bỏ phiếu vòng 2 là sự lựa chọn giữa người bảo vệ EU và người tìm cách phá hủy liên minh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.