Lở đất ở Mocoa, thủ phủ của tỉnh Pututmayo (Colombia) sáng sớm 1-4 (giờ địa phương) làm khoảng 254 người chết và hàng trăm người khác mất tích. Tổng thống Juan Manuel Santos đã ban bố tình trạng khẩn cấp để thúc đẩy các hoạt động cứu nạn và cứu trợ.
Khoảng 1.100 binh sĩ và cảnh sát chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mất tích trong trận lở đất ở Colombia. Ảnh: Telegraph |
Ngày 2-4, khoảng 1.100 binh sĩ và cảnh sát vẫn nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mất tích. Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về số người chết và mất tích. Hãng Reuters cho biết, có 254 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Tuyên bố của quân đội đưa ra cũng xác định có 254 người thiệt mạng, 400 người khác bị thương và 200 người mất tích. Trong khi đó, người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Colombia Cesar Uruena xác nhận với AFP rằng, có 206 người chết, 202 người bị thương, 220 người khác mất tích và 17 khu phố bị ảnh hưởng nặng nề. Hãng AP gọi đây là một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây của Colombia với gần 200 người chết. Thi thể của các nạn nhân được đặt tại một nhà xác tạm thời, nơi đây có 3 đội giám định pháp y khẩn trương tiến hành các công việc nhận dạng. Các nhà chức trách dự kiến số người chết còn tăng cao.
Ngay trong ngày 1-4, Tổng thống Juan Manuel Santos đến Mocoa, nơi có 345.000 dân sinh sống, để giám sát hoạt động cứu hộ. Ông ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm thúc đẩy các hoạt động cứu hộ và cứu nạn, đồng thời chia sẻ sự mất mát với gia đình các nạn nhân. Tổng thống Santos nói rằng, với lượng mưa khoảng 130mm vào đêm 31-3 nghĩa là 30% lượng mưa trong một tháng đã đổ xuống trong đêm, khiến nước một số con sông dâng cao. Tổng thống Santos đổ lỗi nguyên nhân do biến đổi khí hậu. Lúc này, khi mùa mưa mới bắt đầu ở nhiều nơi tại Colombia, ông yêu cầu giới chức địa phương và quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để ngăn chặn thảm họa tương tự. Trên Twitter, ông cam kết bảo đảm việc hỗ trợ các nạn nhân. “Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để giúp họ”, ông Santos khẳng định.
Theo AFP, Thống đốc tỉnh Putumayo, ông Sorrel Aroca, cho rằng những gì xảy ra là “bi kịch chưa từng có” đối với khu vực này. Phát biểu với W Radio, ông Aroca xác nhận chưa tìm thấy hàng trăm gia đình và “toàn bộ các khu phố đã biến mất”. Người đứng đầu đơn vị quản lý rủi ro thảm họa quốc gia Carlos Ivan Marquez cho hay, tình trạng mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ khiến các con sông trong vùng tràn bờ và bùn đất từ trên cao đổ xuống nhiều nhà dân cũng như đường phố Mocoa vào khoảng nửa đêm, cuốn trôi nhiều nhà, ô-tô và cây cối. Các nhà chức trách đã thành lập một nhóm khủng hoảng bao gồm các quan chức địa phương, lực lượng quân đội, cảnh sát và nhân viên cứu hộ để tìm những người mất tích.
Mocoa không có điện và nước, trên đường phố có đông người, nhiều người bị mất nhà cửa. Ông Hernando Rodriguez (69 tuổi), người dân địa phương, cho hay mọi người không biết phải làm gì bởi không có sự chuẩn bị cho một thảm họa như vậy. Không quân Colombia được điều động mang các thiết bị, nước và thuốc men đến Mocoa. Một số hình ảnh được đăng tải trên các trang mạng xã hội cho thấy một số người được sơ tán bằng máy bay.
Một số vụ sạt lở nghiêm trọng cũng từng xảy ra ở Colombia. Năm 2015, vụ sạt lở ở Salgar, tỉnh Antioquia làm gần 80 người chết. Trận sạt lở chết chóc nhất Colombia là thảm họa Armero năm 1985 làm hơn 20.000 người thiệt mạng.
Người phát ngôn Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, trận lở đất đổ xuống từ một sườn đồi ngày 1-4 đã vùi lấp 23 căn nhà ở ngôi làng tại khu vực Ponorogo, đông Java. Đến ngày 2-4, các nhân viên cứu hộ, cùng cảnh sát và binh sĩ tiếp tục tìm kiếm 28 người mất tích. Song, nỗ lực cứu hộ gặp trở ngại do mưa lớn và nhiều người đến khu vực này để xem lở đất, gây ùn tắc giao thông. Nguồn tin từ quân đội cho hay, 38 người có thể đã bị chôn vùi trong lớp bùn đất. |
VĨNH AN