Cuộc tấn công nhằm vào Syria là cuộc không kích đầu tiên của Mỹ chống lại chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát cách đây 6 năm ở quốc gia Trung Đông này. Căng thẳng đang lên đỉnh điểm khi Mỹ tuyên bố xem việc thay đổi chế độ ở Syria là một trong những ưu tiên của chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley công bố hình ảnh nạn nhân trong vụ tấn công ở thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib hôm 4-4. Washington cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công này. Ảnh: AFP |
Tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, gần thành phố Homs, là động thái đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib hôm 4-4, làm 86 người chết, trong đó có 27 trẻ em, và hàng trăm người khác bị thương. Đây có lẽ là đòn trừng phạt mà Mỹ muốn dành cho Tổng thống Assad. Song, các nhà phân tích cho rằng, dường như không có dấu hiệu cuộc không kích đánh dấu sự thay đổi lớn hơn trong chính sách của Washington đối với Syria.
Mỹ đơn phương hành động
Cuộc không kích diễn ra trong lúc chưa có kết quả điều tra chính thức nào về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, nghĩa là Mỹ đã đơn phương hành động, đẩy cục diện xung đột ở quốc gia Trung Đông vốn chìm trong nội chiến suốt 6 năm càng trở nên nghiêm trọng. Ông Fawaz Gerges, chuyên gia về Trung Đông tại Trường Kinh tế London (LSE) mô tả đây là cuộc tấn công không xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược nào, đồng thời bày tỏ hoài nghi về việc chính phủ của Tổng thống Trump có các ý tưởng cụ thể để tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Tuy nhiên, ông Gerges cảnh báo, hành động quân sự nói trên có thể dẫn đến sự can dự của quân đội Mỹ nếu Nga và Iran tăng cường ủng hộ Tổng thống Assad, ngay cả khi lực lượng phiến quân Syria dùng các cuộc không kích này là “đòn bẩy” để có lợi cho mình.
Năm 2000, nối nghiệp cha, ông Assad trở thành Tổng thống Syria. 17 năm sau, đất nước của ông bị tàn phá, kinh tế kiệt quệ, ước tính hơn 400.000 người chết; cuộc xung đột cũng tạo ra khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai đến nay. Chính phủ của ông Assad hiện chỉ kiểm soát 35% lãnh thổ Syria; phần còn lại do các chiến binh Arab, Kurd và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tranh giành nhau. Song, ông Assad nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga và Iran. Nga tức giận chỉ trích cuộc tấn công của Mỹ, gọi đây là “hành động gây hấn chống lại chủ quyền của một quốc gia”. Còn phía Iran cho rằng, động thái của Washington đi ngược lại luật pháp quốc tế và tạo “tiền lệ nguy hiểm”.
Tổng thống Donald Trump đang mạo hiểm
Ngày 9-4, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley bất ngờ nói rằng, bà xem việc thay đổi chế độ ở Syria là một trong số các ưu tiên của chính phủ Tổng thống Donald Trump. Lý do được bà Haley nêu ra là “không muốn thấy một Syria hòa bình mà tại đó có ông Assad” (!?). Bà Haley đề cập 3 ưu tiên bao gồm: đánh bại IS, loại bỏ ảnh hưởng của Iran khỏi Syria và lật đổ chính phủ Assad.
Theo AFP, phát biểu của bà Haley mâu thuẫn với tuyên bố của chính mình và của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ngày 30-3, bà Haley từng nói rằng, ưu tiên của Mỹ “không còn tập trung vào việc lật đổ ông Assad” mà “nên nhìn vào cách các vấn đề nên được giải quyết như thế nào, hợp tác với ai để tạo ra sự chuyển biến ở Syria”. Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Face the Nation” của đài truyền hình CBS, Ngoại trưởng Tillerson cũng khẳng định: “Điều quan trọng là chúng tôi tiếp tục giữ các ưu tiên của mình. Và chúng tôi tin rằng, ưu tiên đầu tiên là đánh bại IS”.
Theo các nhà quan sát, chính phủ Trump đang quay trở lại quan điểm cũ của chính phủ tiền nhiệm Barack Obama trong vấn đề Syria: lật đổ Tổng thống Assad. Đây là sự thay đổi nhưng là sự mạo hiểm của ông Trump, thay vì một chiến lược lớn, có sự tính toán kỹ càng. Bởi lẽ, những gì đang diễn ra gợi nhớ cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 mà Mỹ và Anh từng dựng lên cái cớ rằng, nhà lãnh đạo Saddam Hussein sử dụng “vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Vấn đề đặt ra mối quan hệ Mỹ - Nga như thế nào sau cuộc không kích với 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Tillerson đã có cuộc điện đàm vào ngày 8-4. Trong đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho rằng, cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ở thị trấn Khan Sheikhoun là thiếu thực tế; đồng thời nhấn mạnh việc “tấn công vào một nước mà chính phủ của nước đó đang chống khủng bố chỉ tạo thêm mối đe dọa đối an ninh khu vực và toàn cầu”. Ông Tillerson dự kiến sang Mátxcơva trong tuần này để tiếp tục bàn thảo về Syria.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon quy trách nhiệm cho Nga về cái chết của những người dân thường trong vụ tấn công ở thị trấn Khan Sheikhoun do Mátxcơva ủng hộ ông Assad. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson thậm chí hoãn chuyến thăm Mátxcơva dự kiến vào ngày 10-4 và Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, động thái của London thể hiện sự thiếu hiểu biết về tình hình Syria.
Trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag của Đức ngày 9-4, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhận định: Thế giới trong những ngày qua căng thẳng cực điểm kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng không có nghĩa là khủng hoảng hiện tại xung quanh vấn đề Syria sẽ dẫn tới xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga.
VĨNH AN