.

Mỹ - Triều Tiên: Căng thẳng leo thang

.

Chỉ vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa nhưng thất bại. Động thái của Bình Nhưỡng càng làm tình hình bán đảo Triều Tiên thêm “nóng”, nhất là trong lúc Mỹ tuyên bố sẽ hành động đơn phương chống Bình Nhưỡng.

Người dân Hàn Quốc xem hình ảnh về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên tại nhà ga Seoul.  Ảnh: AP
Người dân Hàn Quốc xem hình ảnh về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên tại nhà ga Seoul. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên diễn ra ngày 16-4 ở khu vực gần thành phố Sinpo, thuộc bờ biển phía đông nước này, bất chấp những khuyến cáo của đồng minh Trung Quốc. Theo các báo cáo ban đầu, đây là tên lửa tầm trung và vụ thử thất bại chỉ sau 4-5 giây rời bệ phóng.  

Thách thức từ Triều Tiên

Việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa diễn ra chỉ sau một ngày nước này tổ chức diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành được xem là lời thách thức, đồng thời càng làm “nóng” tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đang “căng như dây đàn”.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa và diễu binh là mối đe dọa với toàn thế giới; đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có hành động khiêu khích như thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm xa. Song, một cố vấn về chính sách đối ngoại của Mỹ tháp tùng Phó Tổng thống Mike Pence đến Hàn Quốc dường như xoa dịu căng thẳng và cho rằng, việc thử tên lửa tầm trung của CHDCND Triều Tiên lần này không gây ngạc nhiên. “Chúng tôi không bất ngờ và đã lường được hành động đó”, vị quan chức này nói.

Theo các nhà quan sát, việc Phó Tổng thống Pence bắt đầu chuyến công cán 10 ngày đến châu Á, với chặng dừng chân đầu tiên ở Hàn Quốc nhằm bàn giải pháp đối phó với CHDCND Triều Tiên, là dấu hiệu về việc Washington thực hiện cam kết đối với các đồng minh đang đối mặt với căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cũng đang trên đường đến khu vực này. Hơn nữa, việc Mỹ dùng 59 tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria đặt ra câu hỏi về kế hoạch của Tổng thống Trump đối với CHDCND Triều Tiên như thế nào, ông sẽ dùng biện pháp tương tự để trừng phạt Bình Nhưỡng hay không.

Mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên là phép thử cho hầu hết tổng thống Mỹ ngay đầu nhiệm kỳ. Song, căng thẳng giữa Bình Nhưỡng với chính phủ của Tổng thống Trump leo thang quá nhanh chóng, làm dấy lên nguy cơ một cuộc không kích phủ đầu của Mỹ nhằm vào Bình Nhưỡng. Theo Yahoo News, thế giới đang chờ đợi ai sẽ “nháy mắt” đầu tiên.  

Nguy cơ tấn công phủ đầu?

Hai tháng trước, trong lúc Tổng thống Donald Trump gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Lar-a-Lago (bang Florida, Mỹ), CHDCND Triều Tiên đã thử tên lửa. Hai tuần sau, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận thường niên, Bình Nhưỡng xem đây là hành động khiêu khích. 5 ngày sau, khi CHDCND Triều Tiên phóng đồng thời 4 tên lửa đạn đạo xuống Biển Nhật Bản, quân đội Mỹ tuyên bố triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa đến Hàn Quốc.

Khi các báo cáo tình báo cho rằng, CHDCND Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6 vào “Ngày Ánh dương” 15-4, cũng là dịp kỷ niệm 105 ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, Lầu Năm Góc điều nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên. Các quan chức tình báo cấp cao của Mỹ sau đó nói với đài NBC News rằng, chính phủ Washington sẽ tiến hành tấn công quân sự phủ đầu CHDCND Triều Tiên nếu nước này thử hạt nhân thêm lần nữa.

Ngày 14-4, Mỹ lần đầu tiên ném ném quả bom phi hạt nhân mạnh nhất thế giới GBU-43B MOAB, còn được gọi là “mẹ của các loại bom” xuống Afghanistan nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng thực chất đây là lời cảnh báo CHDCND Triều Tiên. GBU-43B MOAB được chế tạo vào đầu những năm 2000 nhằm ngăn chặn Tổng thống Iraq Saddam Hussein phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thông điệp rõ ràng từ động thái này cũng được gửi đến Trung Quốc và một số chuyến bay đến Bình Nhưỡng của hãng Air China đã bị hủy.

Tổng thống Trump muốn Trung Quốc nỗ lực hơn trong việc kiềm chế CHDCND Triều Tiên. Ngày 16-4, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson điện đàm về tình hình bán đảo Triều Tiên nhưng không rõ chi tiết nội dung cuộc trao đổi. Trong lúc đó, tờ Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, nếu CHDCND Triều Tiên bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế, tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, Trung Quốc sẽ giảm phần lớn lượng dầu cung ứng cho đồng minh này và ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Thời gian gần đây, theo nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu than - mặt hàng mang lại ngoại tệ chủ yếu của Bình Nhưỡng.

Các nhà quan sát cảnh báo, mặc dù phóng tên lửa lần này thất bại nhưng CHDCND Triều Tiên sẽ có những hiểu biết giá trị khi muốn phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Hãng AFP dẫn lời ông Kim Dong-Yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul cho rằng, vụ phóng là phép thử cho một loại tên lửa mới hoặc “gia tăng sự khiêu khích trong tương lai gần”. Các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa trong thời gian qua được cho là nỗ lực nhằm củng cố hình ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở trong nước, đồng thời gây áp lực cho Mỹ cũng như Hàn Quốc. Mỹ vốn xem việc CHDCND Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo là mối đe dọa đối với an ninh thế giới và Nhật Bản, Hàn Quốc - các đồng minh của Washington tại châu Á. Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác cam kết gây áp lực hơn nữa cho Bình Nhưỡng nhưng đến nay vẫn chưa ngăn chặn được chương trình hạt nhân của quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định, sẽ khó xảy ra cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào CHDCND Triều Tiên như Mỹ tuyên bố, bởi Triều Tiên không giống Syria và hành động quân sự nhằm vào quốc gia này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Hãng Reuters cho biết, ngày 16-4, Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc họp khẩn để đánh giá tình hình an ninh ngay sau vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản trao công hàm phản đối CHDCND Triều Tiên về vụ phóng tên lửa đạn đạo, cho rằng hành động này rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong vài ngày tới, tiếp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe dự kiến nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa Tokyo và Washington trong vấn đề Triều Tiên.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.