.

Mỹ - Trung và cuộc ngã giá quyền lực

.

Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp mặt đầu tiên tại “Nhà Trắng mùa đông”, khu biệt thự nghỉ dưỡng ở Mar-a-Lago (bang Florida) của ông chủ Nhà Trắng. Bất kỳ quyết sách nào trong cuộc gặp này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hai nước mà còn cả thế giới.

Cuộc gặp mặt đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) được cho là phép thử lớn nhất với Tổng thống Donald Trump. 								Ảnh: CNN
Cuộc gặp mặt đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) được cho là phép thử lớn nhất với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN

Tổng thống Donald Trump luôn cho rằng, khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông là nơi lý tưởng dành để đón tiếp các chính khách quốc tế. Tuy nhiên, hãng Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức trong chính phủ Trung Quốc cho biết, họ thoạt đầu có đôi chút ngại ngần khi biết ông Trump muốn tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại đây. Bất kể việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng phu nhân đã có mặt ở Mar-a-Lago hồi tháng 2 vừa qua, giới chức Trung Quốc vẫn nghĩ khu nghỉ dưỡng này có gì đó thiếu tính biểu tượng trang nghiêm so với một cuộc tiếp đón trang trọng tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn khẳng định phía Trung Quốc hoàn toàn thoải mái khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Mar-a-Lago. Theo người phát ngôn Hoa Xuân Oánh, bất kể địa điểm cuộc gặp ở đâu, “điều quan trọng nhất vẫn là phát triển mối quan hệ Mỹ - Trung và đóng góp cho lợi ích của cả hai nước cũng như thế giới”.

Tại cuộc gặp này, ông Trump có khá nhiều băn khoăn cần giải tỏa với người đồng cấp Trung Quốc, đó là các vấn đề về thương mại, CHDCND Triều Tiên và có thể cả về Biển Đông. Song, về phía Trung Quốc, giới quan sát cho rằng, ông Tập sẽ cân nhắc trong việc trao đổi về những điều khó chịu ngắn hạn trên thế cân nhắc với các kết quả đạt được về mặt chiến lược lâu dài. Dù thế nào thì cuộc gặp này là phép thử lớn nhất đầu tiên với ông Trump trong tư cách một nhà lãnh đạo nước lớn. Chính ông Trump đánh giá đó sẽ là cuộc gặp “rất khó khăn”.

Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, khó có khả năng ông Trump tỏ thái độ cứng rắn tại cuộc gặp này. Một số nhà quan sát còn nhận định đây là cơ hội để Tổng thống Mỹ “phá băng” trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Trump từng bị buộc thay đổi thái độ trong những quan điểm đầu tiên mang tính thách thức với tuyên bố của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Ngay cả cam kết ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử - cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ - cũng đã phải đặt sang một bên. Tuy nhiên, ông Trump cần đạt được điều gì đó về mặt thương mại. Nhiều khả năng ông Tập Cận Bình cũng sẽ áp dụng “chiêu” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong việc đề xuất những thỏa thuận tăng cường đầu tư và tạo thêm việc làm ở Mỹ, những vấn đề ông Trump hết sức quan tâm kể từ chiến dịch tranh cử cho tới nay.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm ngoái, giới chức Trung Quốc dường như ủng hộ bà Hillary Clinton hơn ông Trump. Mặc dù vai trò của bà Clinton trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama đã gây ra những chỉ trích nhất định nhưng Bắc Kinh cho rằng, bà Clinton là chính trị gia có thể đoán định được về đối sách. Bắc Kinh đánh giá cao khả năng có thể đoán định được ở một chính khách. Sau khi ông Trump đắc cử với cương lĩnh tranh cử dựa trên nền tảng của chủ nghĩa dân túy, Bắc Kinh lập tức có những điều chỉnh đối sách để thích nghi với chính phủ mới của Mỹ dưới thời ông Trump.

Bắc Kinh ngay lập tức và lặng lẽ thiết lập một “kênh” liên lạc Mỹ - Trung thông qua ông Jared Kushner, con rể của ông Trump và cũng là cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng. Bất chấp những ì xèo công khai về quan hệ ngoại giao giữa hai nước liên quan vấn đề Đài Loan, chuyện ông Trump nhận điện thoại chúc mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, cũng như việc ông Trump thoạt tiên có những thách thức về việc thừa nhận chính sách “một Trung Quốc”, kênh ngoại giao qua Kushner vẫn được tiến hành liên tục, chưa hề đứt mạch. Cũng vì điều này, nếu quan hệ Mỹ - Trung đi theo hướng cải thiện, Kushner sẽ trở thành mắt xích quan trọng nhất trong mối quan hệ bang giao giữa hai nước.

Căn cứ vào tất cả những gì đã diễn ra thời gian qua, cả ngấm ngầm lẫn công khai, người ta cho rằng, sẽ rất ngạc nhiên nếu ông Tập Cận Bình không đề xuất một phương hướng hợp tác nào đó trong lĩnh vực thương mại. Theo nhận định của giới quan sát, thương mại cũng sẽ là một chủ đề chiếm thời lượng lớn trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Trung Quốc và Mỹ đang chiếm 40% hoạt động kinh tế toàn thế giới. Vì vậy, bất cứ quyết sách nào đạt được trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập cũng sẽ đều được cảm nhận không chỉ tại hai quốc gia này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.