Nga lên án vụ tấn công của Mỹ vào Syria là hành động gây hấn, vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời đình chỉ thỏa thuận song phương với Washington để tránh đụng độ trên bầu trời quốc gia Trung Đông này.
Tối 6-4, Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân Shayrat (Ash Sha’irat) ở Homs (Syria) theo mệnh lệnh của Tổng thống Donad Trump. Đây còn là đòn đáp trả cái Mỹ gọi là “vụ tấn công rất tàn bạo” vào ngày 4-4, mà chính phủ Syria bị tình nghi dùng vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib, làm hơn 80 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Trong khi đó, chính phủ và quân đội Syria phủ nhận hoàn toàn việc sử dụng vũ khí hóa học hay có liên quan vụ việc này.
Hãng AFP dẫn lời người phát ngôn quân đội Syria cho biết, vụ tấn công của Mỹ làm 6 người thiệt mạng, nhiều người bị thương và gây thiệt hại đáng kể. Theo Bộ trưởng Thông tin Syria Ramez Turjman, chính phủ Damascus đang tham vấn các đồng minh là Nga và Iran về cách đáp trả cuộc không kích của Mỹ.
Phát biểu tại họp báo ngày 7-4 tại Tashkent (Uzbekistan) sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ: Hành động Mỹ làm dư luận quốc tế nhớ lại cuộc chiến do Mỹ, Anh và một số đồng minh phát động tại Iraq hồi năm 2003 mà không cần sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tại Mátxcơva, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria là bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo động thái này sẽ làm hủy hoại hơn nữa mối quan hệ Mỹ - Nga. Tối 7-4, ông Putin họp với Hội đồng an ninh để thảo luận về vụ tấn công bằng tên lửa của quân đội Mỹ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin coi việc Mỹ tấng công Syria là hành động gây hấn chống lại một quốc gia có chủ quyền, vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế dựa trên một cái cớ ngụy tạo. Điện Kremlin nhấn mạnh, vụ tấn công sẽ “gây phương hại đáng kể mối quan hệ Nga - Mỹ, vốn đã rơi vào tình trạng tồi tệ”, cũng như gây trở ngại cho nỗ lực thành lập liên minh hiệu quả chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của cộng đồng quốc tế - một ý tưởng mà ông Putin liên tục hối thúc.
Theo AFP, Nga tin chắc rằng, các lực lượng vũ trang Syria không tàng trữ vũ khí hóa học, theo như xác nhận chính thức của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Điện Kremlin đồng thời chỉ trích động thái trên của Mỹ là nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế đối với những thương vong do lực lượng Mỹ gây ra cho dân thường Iraq, nơi có ít nhất 150 người chết trong hàng loạt vụ không kích của liên quân ở Mosul hồi tháng trước.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận an toàn bay giữa Nga và Mỹ được ký kết ngày 20-10-2015 nhằm giúp hai nước tránh các cuộc đụng độ tình cờ khi thực hiện các chiến dịch ném bom riêng rẽ trên không phận Syria. Thỏa thuận này đạt được gần 1 tháng sau khi các máy bay chiến đấu của Nga chính thức tham gia không kích nhằm vào các tổ chức khủng bố ở Syria theo đề nghị từ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
THƯ LÊ