.

Tàu sân bay Mỹ đã vào vị trí có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên

.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ cho biết, hiện nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã đến vị trí có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng được dự đoán sắp thử hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. (Ảnh: US Navy)
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên

Trang mạng Maritime Executive cho biết, trong phiên điều trần trước Ủy ban quân vụ Hạ viện hôm qua 26/4, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris, cho biết, tàu sân bay USS Carl Vinson cuối cùng đã đến vị trí có thể đưa Triều Tiên vào tầm tấn công.

Tuy không tiết lộ cụ thể vị trí của USS Carl Vinson, nhưng ông Harris cho biết con tàu này đang ở vùng biển Philippines, nghĩa là một máy bay chiến đấu mất khoảng 2 giờ để bay tới Triều Tiên và trong quá trình di chuyển đó máy bay có thể cần phải tiếp liệu.

“Hôm nay, con tàu đang ở vùng biển Philippines, phía đông quần đảo Okinawa, có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên nếu cần thiết. Và trong vài ngày tới, tôi hy vọng rằng nó sẽ tiếp tục di chuyển về phía bắc”.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris. (Ảnh: Reuters)
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris. (Ảnh: Reuters)

Đô đốc Harris cũng bác bỏ những đồn đoán cho rằng, nhóm tàu tác chiến do USS Carl Vinson dẫn đầu không thể phòng thủ trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công bằng tên lửa.

“Một bài viết của một trong những hãng tin vào sáng nay nói rằng nhóm tàu tác chiến USS Carl Vinson và hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Wayne E. Meyer, Michael Murphy, tàu tuần dương Lake Champlain không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo trong trường hợp bị tấn công là hoàn toàn sai lệch. Chúng tôi có các tàu mang tên lửa đạn đạo ở vùng biển Nhật Bản, biển Hoa Đông có khả năng phòng thủ trước các tên lửa đạn đạo. Triều Tiên không có các tên lửa đạn đạo chống hạm đủ sức đe dọa nhóm tàu USS Carl Vinson. Những vũ khí mà họ có, chúng ta hoàn toàn có thể phòng thủ bằng năng lực của nhóm tàu này”, ông Haris nói.

Chính sách đối phó Triều Tiên của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: AP)

Trong một diễn biến liên quan khác, sau cuộc họp bất thường tại Nhà Trắng hôm qua, các quan chức cấp cao và toàn bộ Thượng nghị sĩ Mỹ đã ra một tuyên bố chung về chính sách đối phó với Triều Tiên.

Tuyên bố nhấn mạnh, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tập trung gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây tranh cãi thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế và biện pháp ngoại giao. Mỹ cũng để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên về vấn đề này cũng như sẽ tiếp tục bảo vệ các đồng minh.

Tuyên bố được đưa ra giữa lúc các nhà làm luật hối thúc Nhà Trắng đưa ra chiến lược rõ ràng hơn sau khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo và được cho là sắp thử hạt nhân lần 6. Tuy nhiên, những tuyên bố chiến lược mới dường như chưa khiến họ thỏa mãn.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày mai 28/4 để thảo luận việc siết lệnh trừng phạt Triều Tiên, trong đó có thể bao gồm lệnh cấm vận dầu khí, hàng không, cấm các ngân hàng làm ăn với Triều Tiên.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.