Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16-4 về sửa đổi Hiến pháp. Kết quả này sẽ trao cho ông quyền lực áp đảo trong cuộc cải tổ lớn nhất của nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại. Song, phe đối lập cho rằng, cuộc bỏ phiếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất thường và họ sẽ thách thức kết quả này.
Hãng Reuters dẫn phát biểu của ông Erdogan ở thành phố Istanbul cho biết, 25 triệu người - tương đương 51,5% phiếu “Có” - đã ủng hộ đề xuất cải cách Hiến pháp, thay thế hệ thống nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ bằng vai trò quyền lực gia tăng của tổng thống và xóa bỏ văn phòng thủ tướng. Trước đó, CNN dẫn thông tin từ hãng thông tấn nhà nước Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết, tỷ lệ cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân đạt 51,4% sau khi 99,8% số phiếu được kiểm, nhiều hơn phe phản đối 1,14 triệu phiếu.
Gói 18 điều sửa đổi trong Hiến pháp sẽ trao quyền cho tổng thống ban hành dự thảo ngân sách, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các nghị định giám sát các bộ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Kết quả trên cũng tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029. Những thay đổi này hầu hết sẽ có hiệu lực sau cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2019. Tổng thống sẽ có quyền chỉ định nội các và một số phó tổng thống, đồng thời có thể lựa chọn và xóa bỏ một số viên chức cấp cao khi không cần thông qua Quốc hội. Ông Erdogan mô tả chiến thắng lịch sử này khởi đầu một kỷ nguyên mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng CNN dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Bầu cử tối cao Sadi Guven xác nhận số phiếu “Có” đang chiếm ưu thế và kết quả chính thức sẽ được công bố trong khoảng 10 ngày tới, sau khi xem xét lại các kiến nghị. Trong khi đó, ông Kemal Kilicdaroglu, thủ lĩnh đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP), đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ, đặt nghi vấn về tính chân thực của kết quả trưng cầu dân ý. Ông Kilicdaroglu cũng cáo buộc ông Erdogan đang tìm cách thiết lập “chế độ một người” và những thay đổi sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế nguy hiểm. Đảng đối lập chính cũng tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm lại đến 60% số phiếu khi một số thành viên CHP cho rằng có nhiều lá phiếu không được dán tem.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, kết quả sít sao trên cho thấy Ankara nên tìm “sự đồng thuận quốc gia rộng nhất” khi thực thi kết quả bỏ phiếu.
THƯ LÊ