Các nhà chức trách Kyrgyzstan xác định nghi can đánh bom ở nhà ga tàu điện ngầm St. Petersburg của Nga ngày 3-4 là công dân Nga gốc Trung Á. Tính đến ngày 4-4, số người chết tăng lên 14 người.
Người dân St. Petersburg đặt hoa và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: AFP |
Chưa có cá nhân hay tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công tại nhà ga tàu điện ngầm St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga và là quê nhà của Tổng thống Vladimir Putin. Ủy ban Điều tra Nga cho hay, thi thể của một nghi can đánh bom liều chết được phát hiện tại một toa tàu điện ngầm và không tiết lộ chi tiết. Song, trong một tuyên bố được AP dẫn lời, Ủy ban Nhà nước về an ninh quốc gia Kyrgyzstan cho biết, nghi can đứng sau vụ đánh bom là công dân Nga gốc Kyrgyzstan và được xác định tên Akbarzhon Dzhalilov.
Cũng theo Cơ quan Tình báo Kyrgyzstan, các nhà chức trách Nga đã thông báo với họ về một nam thanh niên khoảng 21-22 tuổi nhưng Kyrgyzstan không biết cụ thể vai trò của nghi can này trong vụ đánh bom ngày 3-4. Cơ quan Tình báo Kyrgyzstan đang hợp tác với Nga để điều tra. Trong khi đó, hãng Interfax cho hay, giới chức Nga tin rằng, nghi can có liên quan đến các nhóm Hồi giáo cực đoan và đã mang thiết bị nổ trong ba-lô để lên tàu. Trong vòng 2 giờ đồng hồ kể từ khi vụ nổ xảy ra, các nhà chức trách đã phát hiện và vô hiệu hóa một quả bom tại một nhà ga đông đúc khác. Các nhà điều tra hiện xem xét “hành động khủng bố” nhưng nhấn mạnh rằng, họ cũng sẽ điều tra các nguyên nhân khác.
Cũng như thủ đô Mátxcơva, thành phố St. Petersburg là nơi cư trú của cộng đồng người di cư châu Á, những người rời bỏ quê nhà vì nghèo và thất nghiệp để tìm kiếm việc làm tại Nga. Trong khi hầu hết người di cư Trung Á tại Nga dù được cấp phép làm việc hoặc làm việc bất hợp pháp, nhưng trong nhiều thập niên qua, hàng ngàn người trong số họ vẫn được công nhận là công dân Nga.
Trong lễ quốc tang kéo dài 3 ngày từ ngày 4-4, quốc kỳ Nga được treo rủ trên khắp thành phố St. Petersburg; người dân cũng đến đặt hoa, thắp nến bên ngoài nhà ga tàu điện ngầm để tưởng niệm các nạn nhân. Bộ trưởng Y tế Veronika Skvortsova xác nhận số người chết tăng lên 14, 49 người khác bị thương vẫn được điều trị tại bệnh viện.
Vụ việc làm những người đi vé tháng tại các ga tàu điện ngầm lo lắng. Họ cảm thấy sốc và lo ngại St. Petersburg là mục tiêu tấn công như Paris (Pháp), Berlin (Đức) và London (Anh). Trong 2 thập niên qua, tàu hỏa và máy bay Nga thường xuyên là mục tiêu tấn công, hầu hết được cho là do các chiến binh Hồi giáo thực hiện. Vụ việc gần đây nhất xảy ra hồi tháng 10-2015 với việc các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắn rơi một máy bay Nga trên đường từ khu nghỉ mát Ai Cập đến St. Petersburg, làm toàn bộ 224 người chết.
Nga đã báo động đặc biệt về nguy cơ các cuộc tấn công xảy ra ở đất nước này nhằm trả đũa chiến dịch của Mátxcơva tại Syria. IS từng liên tiếp đe dọa tấn công Nga.
Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi vụ nổ ngày 3-4 là “hành động man rợ”, trong khi Tổng thống Donald Trump trao đổi với Tổng thống Putin và cam kết về “sự ủng hộ hoàn toàn của chính phủ Mỹ”. Phát biểu với báo giới tại Mátxcơva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, sự hiện diện của Tổng thống Putin tại St. Petersburg trong lúc xảy ra vụ tấn công là điều đáng chú ý. Theo ông Peskov, những vụ tấn công như vậy ở Nga là thách thức cho mọi công dân quốc gia này, trong đó có Tổng thống.
Được tin ngày 3-4 xảy ra vụ khủng bố tại ga tàu điện ngầm St. Petersburg (Liên bang Nga), làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, ngày 4-4, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Vladimir Putin. Cũng trong ngày 4-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Chúng tôi hết sức bàng hoàng khi nhận được thông tin liên quan đến vụ đánh bom tại thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga, khiến hàng chục người bị thiệt mạng và bị thương. Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố này và xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Liên bang Nga cùng gia đình những nạn nhân của vụ tấn công, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ rằng những kẻ gây ra tội ác này sẽ phải sớm bị trừng trị thích đáng”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không công dân Việt Nam là nạn nhân của vụ tấn công, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đến nay, chưa có công dân Việt Nam là nạn nhân vụ tấn công này. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tiếp tục theo dõi sát tình hình, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với những công dân Việt Nam gặp khó khăn. TTXVN |
PHÚC NGUYÊN