Bầu cử tổng thống Pháp: Cuộc chạy đua nước rút

.

Trước 2 ngày diễn ra vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ứng cử viên Emmanuel Macron đang nới rộng khoảng cách với đối thủ Marine Le Pen về tỷ lệ ủng hộ. Song, chưa thể khẳng định ông Macron cầm chắc chiến thắng khi lượng lớn cử tri vẫn còn do dự…

Bà Marine Le Pen hy vọng trở thành chủ nhân đầu tiên của Điện Elysee.					          Ảnh: AFP
Bà Marine Le Pen hy vọng trở thành chủ nhân đầu tiên của Điện Elysee. Ảnh: AFP

Thăm dò do Viện Elabe thực hiện và công bố ngày 5-5 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên theo đường lối trung dung Emmanuel Macron là 62%, so với 38% dành cho ứng viên của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen. Đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất dành cho ông Macron kể từ khi 9 ứng cử viên khác bị loại trong cuộc đua ở vòng 1 vào ngày 23-4 vừa qua. Thăm dò này được thực hiện sau cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trên truyền hình giữa ông Macron và bà Le Pen ngày 3-5.

Sau cuộc tranh luận trên truyền hình, 63% người được hỏi cho rằng ông Macron đã có phần thể hiện thuyết phục hơn bà Le Pen, chỉ 34% bày tỏ sự hài lòng với nữ chính trị gia này. Theo Reuters, một thăm dò khác được thực hiện trong tuần này cũng cho thấy, phong trào chính trị “En Marche” (Tiến bước) của ông Macron có thể nổi lên là đảng lớn nhất trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 tới, cũng như gỡ bỏ tâm trạng bất an trong các nhà đầu tư khi họ lo lắng việc bà Le Pen giành chiến thắng sẽ mang lại nhiều hệ lụy.

Thực tế, cuộc đua “song mã” ở vòng 2 là cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên có quan điểm trái ngược nhau hoàn toàn về châu Âu và vị trí của nước Pháp trên thế giới. Bà Le Pen chủ trương đóng cửa các biên giới, đưa Pháp ra khỏi khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu và khỏi Liên minh châu Âu (EU); trong khi ông Macron muốn hợp tác chặt chẽ hơn với châu Âu và xây dựng nền kinh tế mở.
Trước khi chiến dịch tranh cử khép lại vào ngày 5-5, bà Le Pen - người muốn chống nhập cư, chống châu Âu - tuyên bố không bỏ cuộc. “Mục tiêu của tôi là chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần này”, bà nói với đài RTL. Trong cuộc tuần hành ở làng Ennemain, bà cũng khẳng định sẽ trao quyền làm chủ Điện Elysee cho người dân Pháp. Còn ông Macron, trong cuộc tuần hành cuối cùng ở thị trấn Albi, đã cam kết “giữ lời hứa thay đổi nước Pháp cho đến cùng”.

Thăm dò của hãng Odoxa ngày 5-5 cho thấy, ¼ cử tri có thể bỏ phiếu trắng bởi nhiều người trong số các cử tri cánh tả cảm thấy thất vọng sau khi các ứng cử viên của họ thất bại ở vòng 1. Theo đó, tỷ lệ bỏ phiếu trắng sẽ cao nhất so với bất kỳ cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vòng 2 nào kể từ năm 1965. Cũng theo thăm dò của đài Franceinfo, 69% cử tri sẽ bỏ phiếu một cách miễn cưỡng và họ sẽ từ chối lựa chọn ông Marcon hay bà Le Pen.

Dù ông Macron đang chiếm ưu thế nhưng vẫn chưa thể khẳng định vị cựu Bộ trưởng Kinh tế 39 tuổi sẽ cầm chắc chiến thắng bởi “hiện tượng Donald Trump” với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có thể lặp lại. Cả châu Âu đang hồi hộp, lo lắng hướng về nước Pháp và chờ đợi ngày 7-5. Giữa lúc đất nước đang bị chia rẽ nghiêm trọng, người Pháp vốn đang kỳ vọng sự thay đổi sẽ chọn ai? Song, kết quả bầu cử không khéo sẽ làm đảo lộn cả khuôn mặt chính trị của một lục địa già cỗi, nhất là sau sự kiện Brexit (Anh rời EU).  

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.