Đánh mất văn hóa ẩm thực đường phố Đông Nam Á?

.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang ra sức dọn dẹp vỉa hè với mục tiêu an toàn và mỹ quan cho thành phố. Tuy nhiên, tờ New York Times (Mỹ) lại cho rằng sự mạnh tay dọn dẹp đó có thể đánh mất văn hóa ẩm thực đường phố ở Đông Nam Á.

Quán ăn vỉa hè ở thủ đô Bangkok (Thái Lan).
Quán ăn vỉa hè ở thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Đông Nam Á nổi tiếng với ẩm thực đường phố vốn làm hài lòng cả du khách và người dân địa phương. Những món ăn ngon miệng và rẻ tiền như salad đu đủ xanh ở Bangkok (Thái Lan) hay bánh xèo ở thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)… Tuy nhiên, nhiều thành phố lớn ở Đông Nam Á đang thực hiện chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, đẩy hàng nghìn người bán ăn vỉa hè vào thế khó và đe dọa văn hóa ẩm thực đường phố nổi tiếng ở đây.

Ở Bangkok, chính quyền dọn dẹp các khu vực vỉa hè bị người dân phàn nàn về rác thải, tắc nghẽn giao thông. Một quan chức thành phố cho biết: “Luật buôn bán vỉa hè có hiệu lực năm 1992 khi Bangkok chưa đông đúc và tắc nghẽn như bây giờ. Do đó, chúng ta phải sắp xếp và tổ chức lại không gian công cộng”. Nhiều khả năng, những người bán hàng rong được đưa về một khu vực vệ sinh hơn. Bangkok có hơn 11 nghìn người bán hàng vỉa hè có phép; một nửa trong số đó có từ 2 năm hành nghề trở lên.

Chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia làm căng hơn ở Bangkok khi yêu cầu những người bán vỉa hè phải chi số tiền rất lớn cho công tác an ninh và dọn dẹp vệ sinh nhưng lại không bảo đảm được buôn bán thông suốt. Từ năm 2015, hơn 17 nghìn người đã được chuyển vào kinh doanh trong khu vực cố định.

Thưởng thức ẩm thực đường phố ở Đông Nam Á từ lâu là cảm hứng cho các đầu bếp nổi tiếng thế giới như Anthony Bourdain (Mỹ). Họ tạo ra những món ăn đường phố hấp dẫn trong các nhà hàng phương Tây.  Không ít người giàu có vẫn dừng xe sang để ăn món ưa thích bên vỉa hè ở Bangkok, Jakarta… Piya Joemjuttitham là một nhà quản lý tài chính ở Bangkok thừa nhận gia đình ông mê mệt với những món ăn đường phố mà nhiều bữa ra đây dùng thay vì ở nhà.

Mô hình mà Bangkok và Jakarta áp dụng dựa theo cách làm của Singapore trước đây nhằm bảo đảm được an toàn thực phẩm và vỉa hè thông thoáng. Tuy nhiên, nỗi lo ở đây là không khí của ẩm thực đường phố Đông Nam Á. Chuyên gia dịch tễ học thuộc đại học quốc gia Úc là Martyn Kirk bảo rằng: “Không phải thức ăn đường phố ít vệ sinh hơn trong nhà hàng. Nếu như ăn đồ chiên hay đồ nóng thì chẳng có sự khác biệt nào cả”.

Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lương nông LHQ đang phát triển bộ khung về bán hàng rong ở châu Á nhằm đưa ra các quy định về vệ sinh tốt nhất và những hướng dẫn rộng rãi để chính phủ các nước có thể điều chỉnh.

ANH THƯ (Theo New York Times)

;
.
.
.
.
.