Khó khăn chờ đón Đông Nam Á

.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế thế giới đang hồi phục một cách rõ nét. Châu Á được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hồi phục bền vững này nhờ vào hai yếu tố. Đó là nhu cầu tiêu dùng của thị trường phương Tây lâu nay và nhu cầu ngày càng nhiều của tầng lớp trung lưu ngay tại châu Á. 30 năm trước, Ngân hàng Thế giới khẳng định 90% dân số châu Á nằm ở các nước có thu nhập thấp. Ngày nay, 95% dân số châu Á sống ở các nước thu nhập trung bình. Một thế hệ (tương đương 30 năm) đã đưa hàng trăm triệu người từ đói nghèo lên mức trung lưu.

Robot sẽ thay thế con người sản xuất trong tương lai.
Robot sẽ thay thế con người sản xuất trong tương lai.

Một khi nói tới châu Á thì thường nhắc tới hai nền kinh tế lớn nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á với 600 triệu dân, phần lớn nằm ở tầng lớp trung lưu thường bị lãng quên. Tăng trưởng kinh tế của 5 nước hàng đầu Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ vượt qua 5% vào thập niên tới, trong khi Bắc Á chỉ 3%. Lực lượng lao động của 5 nước Đông Nam Á này tiếp tục tăng lên trong khi Bắc Á teo lại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á khá thành công trong khu vực nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, cộng đồng kinh doanh hợp tác tốt. Giới trung lưu gia tăng số lượng là rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng ấy dựa vào đâu? Dựa nhiều vào xuất khẩu. Dựa vào giá nhân công rẻ. Dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tất cả sẽ bị đe dọa như những gì Diễn đàn kinh tế thế giới vừa qua nhắc tới là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0. Nó sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong kỹ thuật di truyền, robot, trí thông minh nhân tạo, công nghệ nano và công nghệ sinh học khiến cho thời đại máy tính và Internet lùi vào dĩ vãng. Một ví dụ cho sự thay đổi là robot có thể thay thế 85% công nhân ngành công nghiệp dệt may trong 2 thập niên nữa. Quãng thời gian đó lại quá ngắn để cho các quốc gia chuyển đổi mô hình kinh tế.

Để vượt qua khó khăn này, các nước Đông Nam Á cần phải đổi mới phương thức sản xuất và tiếp thị, cũng như tạo ra các sản phẩm mới hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng chút nào. Đông Nam Á hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu nhưng thách thức trước mắt là cuộc cách mạng 4.0. Thuận lợi và thách thức đó có thể buộc chính phủ các quốc gia Đông Nam Á phải hợp tác mạnh hơn nữa, tính liên kết chặt chẽ hơn nữa để bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới. Bằng không, sẽ tụt lại phía sau…

ANH THƯ (Theo Straits Times)

;
.
.
.
.
.