Đến Brussels (Bỉ) ngày 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nỗ lực hơn nữa để chống khủng bố, nhất là sau khi xảy ra vụ đánh bom ở thành phố Manchester (Anh).
Tổng thống Donald Trump (bìa trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (bìa phải). Ảnh: EPA |
Hãng AFP cho biết, nội dung được Tổng thống Donald Trump đề cập chủ yếu trong hội nghị thượng đỉnh với NATO tại Brussels vào tối 25-5 (giờ địa phương) là vấn đề chống khủng bố. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng, ông muốn NATO gia nhập liên minh quốc tế gồm 68 nước chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Động thái này của NATO sẽ có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở sân vận động Manchester Arena, thành phố Manchester vào đêm 22-5 (sáng sớm 23-5, giờ Việt Nam).
Trước thềm cuộc gặp, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Hoàn toàn không có vấn đề gì khi NATO tham gia bất kỳ hoạt động chiến đấu nào”. Ông Stoltenberg cũng đề cập thông điệp chính trị mạnh mẽ về cam kết của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố. Toàn bộ 28 nước thành viên NATO đã gia nhập liên minh quốc tế chống IS, nhưng NATO - với tư cách một tổ chức - vẫn chưa tham gia. Tại cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Trump lần này, các nhà lãnh đạo NATO sẽ chính thức ủng hộ quyết định gia nhập liên minh khi Pháp, Đức và Ý không còn phản đối. Hơn nữa, NATO cũng sẽ thành lập cơ quan tình báo chống khủng bố để thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, đồng thời chọn người điều phối chống khủng bố để giám sát những nỗ lực của liên minh; gia tăng số giờ bay của máy bay giám sát không phận phía bắc Iraq và Syria.
Theo AFP, 28 thành viên NATO, cùng Montenegro - quốc gia gia nhập NATO vào đầu tháng 6 tới, sẽ làm mới cam kết về việc dành 2% GDP để chi cho hoạt động quốc phòng vào năm 2024, như lời kêu gọi của Mỹ. Hiện chỉ có 5 thành viên cán đích mục tiêu này, bao gồm: Anh, Estonia, Hy Lạp, Ba Lan và Mỹ. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu khác dường như không mặn mà gì với mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, bởi họ phải xem xét vấn đề quân sự trong tổng thể ngân sách quốc gia.
Thực tế, các đồng minh châu Âu của Mỹ trong NATO từng hoang mang khi ông Trump tuyên bố lúc tranh cử tổng thống cũng như lúc nhậm chức rằng, Washington sẽ xem xét lại các cam kết nếu các nước châu Âu không tăng chi tiêu quốc phòng và đóng góp nhiều hơn vào ngân sách của khối. “Hãy nhìn Mỹ đang chi 4%. Chúng tôi đang làm rất nhiều”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với báo giới tại Brussels.
Ông Trump có khoảng 24 tiếng đồng hồ ở Brussels - thành phố mà ông từng gọi là “địa ngục” vì vấn đề nhập cư của người Hồi giáo và các mối đe dọa khủng bố - để trấn an cũng như xoa dịu những nghi ngại của NATO. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã tỏ rõ rằng liên minh quân sự này không còn “lỗi thời” với những thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố, như ông từng mô tả trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái.
Trước đó, sáng 25-5, Tổng thống Trump thăm trụ sở Liên minh châu Âu (EU) và gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, cùng các quan chức cấp cao khác. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Trump với các lãnh đạo chủ chốt của EU trong lúc nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ vấn đề Brexit (Anh rời EU).
Báo Telegraph của Anh dẫn lời các nhà quan sát bình luận: Kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Trump “dịu giọng” hơn với EU, ca ngợi liên minh này là “tuyệt vời”, đồng thời nói rằng một châu Âu hùng mạnh rất quan trọng đối với ông và nước Mỹ.
Ngày 25-5, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Montenegro sẽ là thành viên thứ 29 của khối liên minh quân sự này vào tháng 6 tới, mặc dù vẫn vấp phải sự phản đối của Nga. Phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - NATO, ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Điều này cho thấy cánh cửa của NATO đang mở”. Ngày 5-6, Montenegro sẽ chính thức nộp hồ sơ gia nhập lên Thượng viện Mỹ, nơi đóng vai trò giám hộ cho Hiệp ước thành lập NATO. Trong lúc đó, Nga cho rằng, việc NATO mở rộng sang các nước từng thuộc Liên Xô cũ ở Đông Âu đe dọa an ninh của quốc gia này và Mátxcơva không thể làm ngơ. |
PHÚC NGUYÊN