Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cam kết cải thiện quan hệ đồng minh vốn đang căng thẳng. Chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sự khởi đầu mới của quan hệ song phương dù hai bên vẫn còn nhiều khác biệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tái khẳng định với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về cam kết của Washington trong việc bảo đảm an ninh cho Ankara. Ảnh: AP |
Hãng ABC News cho biết, trong cuộc hội đàm tại Washington ngày 16-5 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bàn thảo về việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Ông chủ Nhà Trắng tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Washington trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và việc cần thiết phối hợp để chống chủ nghĩa khủng bố.
Tổng thống Trump khen ngợi ông Erdogan là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng không đề cập đến chiến dịch trấn áp mạnh tay của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái. “Chúng ta đã có mối quan hệ tốt và sẽ làm cho nó tốt hơn”, ông Trump nói trong cuộc họp báo chung.
Theo các nhà quan sát, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Erdogan mang ý nghĩa tích cực trong lúc quan hệ giữa hai nước căng thẳng sau khi Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria.
“Tuyệt đối không thể chấp nhận việc xem YPG và PYD (Đảng Liên hiệp dân chủ người Kurd ở Syria) là đối tác trong khu vực”, Tổng thống Erdogan nói, đồng thời cho rằng lực lượng người Kurd đang dùng cuộc chiến chống IS để làm vỏ bọc cho chủ nghĩa dân tộc ly khai. YPG và PYD đều bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các lực lượng khủng bố; trong đó Ankara xem YPG là lực lượng mở rộng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Ông Erdogan đến Phòng Bầu dục mang theo lời phàn nàn về sự ủng hộ của Mỹ với các chiến binh người Kurd và việc Washington che chở giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sống tại Pennsylvania (Mỹ), bị chính phủ Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo hầu như vượt qua những khác biệt để làm mới liên minh then chốt giữa một cường quốc hàng đầu NATO với một thành viên Hồi giáo lớn nhất trong tổ chức quân sự này.
Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác của Mỹ trong liên minh chống IS. Liên minh với Thổ đã chứng minh được sức mạnh trong việc chống lại IS ở Syria; theo đó, căn cứ không quân Incirlik của Thổ là nơi để tiến hành các cuộc không kích. Lúc Mỹ tuyên bố cung cấp vũ khí cho YPG, Tổng thống Erdogan gọi đây là quyết định sai lầm và kêu gọi Washington dừng ngay bước đi này nếu không muốn làm tổn hại thêm quan hệ song phương. Tuy nhiên, yêu cầu của Thổ không nhận được sự đồng tình từ Washington.
Thực tế, vấn đề mấu chốt là Mỹ chủ yếu xem YPG là yếu tố nòng cốt trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Song, Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ rằng, nếu được Mỹ hỗ trợ thì tầm ảnh hưởng của lực lượng người Kurd trong nước sẽ gia tăng.
Mâu thuẫn giữa hai nước cũng dấy lên khi Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đưa quân vào lãnh thổ Syria hồi cuối tháng 8-2016 nhằm tăng cường an ninh biên giới và chống khủng bố. Mỹ cho rằng, động thái của Ankara thực chất là hướng tới mục tiêu xóa sổ YPG, gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, chứ không phải nhằm tiêu diệt IS. Đó là chưa kể những mâu thuẫn liên quan đến yêu cầu của Thổ về việc Washington phải dẫn độ giáo sĩ Gullen về Ankara…
Theo các nhà quan sát, với nhiều khác biệt như vậy, dù Tổng thống Erdogan khẳng định cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Trump lần này đặt nền móng mở ra trang mới cho quan hệ giữa hai nước, dù hai nhà lãnh đạo có bắt tay nhau nồng ấm như thế nào đi nữa, nhưng cũng sẽ không dễ để thu hẹp khoảng cách và xóa nhòa những bất đồng.
PHÚC NGUYÊN