Pháp bầu cử tổng thống: Cuộc bỏ phiếu gay cấn

.

Ngày 7-5, với việc bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron hay bà Marine Le Pen trở thành tổng thống, người Pháp không những quyết định đường hướng của đất nước trong 5 năm tới mà còn lựa chọn tương lai cho Liên minh châu Âu (EU).

Ông Emmanuel Macron vẫy chào những người ủng hộ sau khi bỏ phiếu tại thị trấn Le Tourquet. 		         Ảnh: AP
Ông Emmanuel Macron vẫy chào những người ủng hộ sau khi bỏ phiếu tại thị trấn Le Tourquet. Ảnh: AP

Từ sáng 7-5, hơn 66.500 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp mở cửa để đón 47 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu tổng thống vòng 2. An ninh được siết chặt với sự hiện diện của hơn 50.000 cảnh sát nhằm đề phòng các cuộc tấn công của Hồi giáo cực đoan. Một ngày trước đó, cảnh sát Pháp phát lệnh truy nã 3 đối tượng tình nghi âm mưu tấn công khủng bố, trong đó có 2 công dân Bỉ và một người mang quốc tịch Afghanistan.

Các thăm dò trước bầu cử đều cho thấy, cử tri sẽ chọn cựu Bộ trưởng Kinh tế 39 tuổi Emmanuel Macron - người theo đường lối trung dung, chủ trương thân EU, toàn cầu hóa, hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp; thay vì chọn nữ cử ứng viên 48 tuổi Marine Le Pen - người theo xu hướng cực hữu, chủ trương đóng cửa biên giới, đưa Pháp rời EU và khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Ông Macron cùng vợ, bà Brigitte Macron, đi bỏ phiếu tại thị trấn Le Tourquet, phía bắc của Pháp. Trong khi đó, bà Le Pen đi bỏ phiếu tại thị trấn Henin-Beaumont cũng ở phía bắc, nơi được cho là “thành trì” của đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu (FN).

Nếu điều bất ngờ xảy ra và cựu Chủ tịch FN Le Pen giành chiến thắng, rất có thể EU sẽ tan rã trước nguy cơ Frexit (Pháp rời EU). Theo Reuters, dù phần thắng thuộc về ai cũng sẽ mở ra một chương mới trong nền chính trị Pháp, bởi lực lượng cánh tả lẫn cánh hữu truyền thống (đảng Xã hội và đảng Cộng hòa) đã nắm quyền trong nhiều thập niên đều thất bại trong cuộc bỏ phiếu vòng 1 vừa qua.

Một rắc rối xảy ra ngay trước thềm bầu cử: khoảng 9 gigabyte dữ liệu liên quan chiến dịch tranh cử của ứng viên Emmanuel Macron bị đăng tải lên một trang chia sẻ dữ liệu công khai. Ủy ban Bầu cử Pháp cho rằng, bất cứ ai phát tán tài liệu bị rò rỉ từ phong trào “En Marche” (Tiến bước) của ông Macron đều có thể bị coi là tội phạm. Cơ quan An ninh mạng của chính phủ (ANSSI) đang điều tra vụ việc này, trong khi nhóm chiến dịch của ông Macron chỉ trích vụ tin tặc xảy ra nhằm phá hoại cuộc bầu cử.

Hãng AFP cho rằng, số phận của EU đang bị “treo” khi người Pháp đi bỏ phiếu. Các thị trường tài chính toàn cầu và các nước láng giềng của Pháp dõi theo cuộc bầu cử. Thảm họa Frexit sẽ nghiêm trọng hơn cả Brexit (Anh rời EU), bởi Pháp là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và lớn thứ hai trong khối các nước sử dụng đồng euro. Hơn nữa, Pháp còn là trụ cột của EU, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là cường quốc quân sự toàn cầu. Cuộc bầu cử lần này cũng đánh giá sức mạnh của chủ nghĩa dân túy sau sự kiện bỏ phiếu Brexit của Anh và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Giới chức EU đương nhiên ủng hộ ông Macron, người tự mô tả mình là “ứng cử viên của một nước Pháp hùng mạnh, thuộc một châu Âu vững chắc”. Còn ở trong nước, vị cựu Bộ trưởng này được sự ủng hộ của những người giàu có, tầng lớp trí thức ở các thành phố; trong khi bà Le Pen được sự tín nhiệm của cử tri miền quê, chẳng hạn ở các khu vực nghèo miền nam và phía đông bắc. Theo các nhà quan sát, rất có thể ông Macron sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp và cử tri chờ đợi ông thực hiện cam kết “Pháp không phải là một đất nước đóng cửa”. Song, biết đâu bà Le Pen sẽ trở thành nữ tổng thống cực tả đầu tiên của quốc gia châu Âu này. Mọi việc phải chờ kết quả được công bố vào sáng 8-5.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.