Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là dịp để quốc gia này cùng Đức tái khởi động quan hệ liên minh trong lúc Liên minh châu Âu (EU) gặp nhiều rối rắm. Báo chí Đức gọi quan hệ Pháp - Đức lúc này là “Merkron”.
Tổng thống Emmanuel Macron đến Đức với mong muốn xây dựng liên minh cùng Berlin. Ảnh: AFP |
Ngày 15-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Berlin sau khi đảng bảo thủ - Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền của bà tiếp tục giành chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử nghị viện bang tại bang chiến lược North Rhine-Westphalia.
Nếu đảng của bà Merkel thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử liên bang vào ngày 24-9 tới, nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục làm Thủ tướng. Vì vậy, ông Macron muốn dùng chuyến công cán nước ngoài đầu tiên, với cuộc gặp quan trọng này, để tái khởi động liên minh Pháp - Đức vốn từng rất gắn bó và thuyết phục Berlin xây dựng ngân sách chung của khối các nước sử dụng đồng euro (eurozone), tiến tới xây dựng một EU “hiệu quả hơn, dân chủ hơn”.
Hãng Reuters cho biết, chuyến công du của Tổng thống Macron được thực hiện ngay sau ngày nhậm chức, minh chứng quyết tâm của ông muốn làm “hồi sinh” mối quan hệ Pháp - Đức; đồng thời tiến hành cải cách EU khi liên minh đang đối mặt với vấn đề Brexit và các cuộc khủng hoảng tài chính, nhập cư.
Phát biểu trước thềm hội đàm với Tổng thống Macron, Thủ tướng Merkel nói rằng, cuộc bầu cử ở Pháp có thể tạo ra sự năng động hơn trong dự án châu Âu. “Tương lai của Đức nằm trong châu Âu. Về lâu dài, Đức chỉ làm tốt nếu châu Âu làm tốt”, bà Merkel nói. Theo AFP, Đức cũng đang xem Tổng thống Macron sẽ khôi phục nền kinh tế của Pháp và “hồi sinh” EU như thế nào. Khi Anh rời liên minh vào năm 2019, Pháp sẽ là thành viên duy nhất của EU có vũ khí hạt nhân và giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Lúc còn là ứng cử viên tổng thống, ông Macron đã kêu gọi “một thỏa thuận Pháp - Đức mới”, liên quan “sự hợp tác có cấu trúc hơn” về đầu tư, an ninh biên giới châu Âu và quốc phòng. Trong khi đó, với Thủ tướng Merkel, trong suốt 12 năm đứng đầu chính phủ, ông Macron là Tổng thống Pháp thứ tư làm việc cùng bà (sau Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande). Dù có những khác biệt về chính trị nhưng nữ Thủ tướng đã xây dựng mối quan hệ vững chắc với người tiền nhiệm của ông Macron, cựu Tổng thống Francois Hollande; đáng chú ý là nỗ lực chung của cả hai trong việc bảo đảm thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ở Ukraine trong các cuộc đàm phán tại thành phố Minsk của Belarus năm 2015. Giờ đây, Thủ tướng Merkel ca ngợi việc ông Macron muốn củng cố và đoàn kết châu Âu nhưng bà đề nghị cần cụ thể trong cách thức thúc đẩy quan hệ Pháp - Đức.
Báo chí Đức gọi quan hệ Pháp - Đức lúc này là “Merkron”. Cuối tuần qua, bà Merkel cũng khẳng định muốn hợp tác với ông Macron và hai nước sẽ làm mọi việc để định hình chính sách của châu Âu. Đức hiện muốn Pháp thực hiện những thay đổi cấu trúc như giảm chi tiêu công và cải cách thị trường lao động cứng nhắc của nước này. Ông Macron cũng đã cam kết như vậy khi ông muốn phục hồi kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng để hiện thực hóa những mong muốn này, đảng của ông cần chiếm đa số trong Quốc hội Pháp.
Giới phân tích cho rằng, những tham vọng cải cách EU của ông Macron vẫn chưa được giới chính trị gia Đức đón nhận. Đảng bảo thủ của bà Merkel đang hoài nghi về tính thực tế trong kế hoạch cải cách của tân Tổng thống Pháp. Ông Macron ủng hộ hội nhập châu Âu theo đúng quan điểm truyền thống của người Pháp. Đức cũng ủng hộ hội nhập châu Âu nhưng muốn mở rộng liên minh này thay vì làm các mối quan hệ vốn có trở nên sâu sắc hơn.
Hãng AFP cũng cho biết, trước khi sang Đức, tân Tổng thống Macron bổ nhiệm nghị sĩ theo đường lối bảo thủ 46 tuổi Edouard Philippe làm Thủ tướng. Đây là động thái chưa từng có ở nước Pháp thời kỳ hậu chiến khi chọn lãnh đạo chính phủ là nhân vật bên ngoài đảng của tổng thống.
PHÚC NGUYÊN